Báo Đồng Nai điện tử
En

Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

09:04, 13/04/2021

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và bổ sung phát triển (năm 2011) của Đảng và xuyên suốt các đại hội Đảng, Đảng ta đã khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Sự khẳng định đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và bổ sung phát triển (năm 2011) của Đảng và xuyên suốt các đại hội Đảng, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Sự khẳng định đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân. Ảnh minh họa: TTXVN
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

* Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm vào tình trạng thoái trào. Được cớ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tăng cường xuyên tạc, công kích nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Trước hết, chúng đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm tạo nên sự hoang mang về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội tiến tới làm tan rã Đảng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, ra sức bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

* Cơ sở để kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ nhất, bất kỳ một chính đảng nào cũng lựa chọn cho mình một hệ tư tưởng nhất định để làm cơ sở tập hợp lực lượng và thống nhất hành động.

Nếu không có hệ tư tưởng, lý luận soi sáng, dẫn dắt, đảng chính trị đó chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên, rời rạc, thiếu thống nhất vì thế sẽ không có sức mạnh. Thực tế cho thấy, các đảng theo khuynh hướng tư sản đều chọn hệ tư tưởng tư sản để theo, còn các đảng Mácxít thì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là một tất yếu. Chúng ta phải luôn kiên định với hệ tư tưởng đó để giữ vững bản chất chính trị, bản chất giai cấp của Đảng. Năm 1927, trong quá trình vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. 

Cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời ở châu Âu nên không thể phù hợp với Việt Nam, một nước châu Á! Đúng là chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời ở châu Âu nhưng lý tưởng mà các ông theo đuổi là khát vọng của nhân loại tiến bộ - con người được giải phóng hoàn toàn khỏi áp bức, bóc lột, bất công, được ấm no, tự do, hạnh phúc. Những điều thiêng liêng đó không chỉ người phương Tây cần và nó chỉ phù hợp với phương Tây. Và dĩ nhiên là, chủ nghĩa Mác - Lênin không nghĩ thay cho chúng ta. Nhưng chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp luận cách mạng và khoa học để cải tạo xã hội, để áp dụng một cách thành công vào con đường cách mạng của nước ta.

Thứ hai, nguyên nhân sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không bắt nguồn từ bản thân học thuyết Mác - Lênin. Đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết.

Nguyên nhân của sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, không được lẫn lộn chủ nghĩa Mác - Lênin với những nhận thức sai và làm trái chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu còn chứng tỏ: Đảng nào xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin thì đảng đó sẽ biến chất, không còn là đảng Mácxít - Lêninnít chân chính, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đó sẽ thất bại. Đối với Việt Nam, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã cho chúng ta nhận rõ hơn những khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô viết và nhiều bài học quan trọng về đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng, nhất là bài học về sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mang bản chất cách mạng và khoa học, nó không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động, nó không phải nhất thành bất biến. Bản thân C.Mác và Ph.Ăngghen đã thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của các ông. Chính Ăngghen từng lưu ý: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc”. Lênin cũng lưu ý những người cộng sản: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, đảng viên trong học tập chủ nghĩa Mác - Lênin: “Học tập tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”, là “học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh  thực tế của nước ta”.  Đó chính là nguyên tắc và là phương pháp luận vững chắc, sắc bén để chúng ta bảo vệ, đồng thời tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta.

Thứ ba, thực tiễn cách mạng nước ta là minh chứng hùng hồn nhất chứng minh bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

 Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giới sử học thống kê đã có hơn 300 cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân nổ ra để phản kháng ách áp bức, bóc lột tàn độc của bọn thực dân. Nhưng rốt cuộc hơn 300 cuộc đấu tranh ấy đều thất bại, đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Vì các phong trào đấu tranh đó hoặc là dựa trên hệ tư tưởng phong kiến, tư sản hoặc dựa trên lập trường của giai cấp nông dân, tiểu tư sản đã không còn phù hợp, không có được lực lượng chính trị có khả năng đoàn kết quy tụ lực lượng toàn dân tộc để giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc này. Sự thất bại của các phong trào yêu nước càng chứng minh cho chúng ta thấy rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lựa chọn con đường cứu nước theo lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin là một sự lựa chọn tất yếu, tự nhiên và hoàn toàn đúng đắn. Trong khoảng thời gian bôn ba khắp các châu lục, khảo cứu các cuộc cách mạng nổi tiếng trên thế giới, tiếp cận với nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.  

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với bản lĩnh và trí tuệ thiên tài được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, kết thúc ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đến là cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 giành độc lập, thống nhất đất nước. Và đến hôm nay, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên tiến hành đổi mới thắng lợi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển, như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thắng lợi của cách mạng nước ta nói chung cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng gần 1 thế kỷ qua nói riêng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhờ Đảng ta đã được vũ trang bằng lý luận cách mạng và khoa học là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ cách mạng mới, việc tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể, phù hợp của Việt Nam vẫn là một tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn là trách nhiệm, bổn phận của mỗi một người dân. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân!

Sao Khuê

Tin xem nhiều