Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, hiện nay việc thi hành án đối với các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) theo bản án, quyết định của tòa rất khó khăn. Hiện vẫn còn hàng tỷ đồng tiền nợ BHXH rơi vào diện "khó đòi".
Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, hiện nay việc thi hành án đối với các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) theo bản án, quyết định của tòa rất khó khăn. Hiện vẫn còn hàng tỷ đồng tiền nợ BHXH rơi vào diện “khó đòi”.
Người lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh nhờ tư vấn về các chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa |
Một trong những khó khăn trong công tác THADS đối với các doanh nghiệp nợ tiền BHXH là các doanh nghiệp này không còn tài sản để thi hành án.
* Món nợ khó đòi
Bức xúc vì Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm An Thái (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) còn nợ BHXH huyện Trảng Bom số tiền hơn 418 triệu đồng dẫn tới việc quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nên bà N.T.M. (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) vừa có khiếu nại đến Chi cục THADS huyện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi hành án.
Theo bà N.T.M., việc chậm thi hành án đối với vụ việc trên khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như: không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, không được nhận bảo hiểm thất nghiệp...
Cục THADS tỉnh cho biết, nguyên nhân nhiều năm qua vẫn chưa thi hành án được đối với Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm An Thái là do công ty này chưa có điều kiện thi hành án. Hiện công ty không còn hoạt động. Toàn bộ nhà xưởng sản xuất của công ty cũng đã thế chấp tại một ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Tổng giá trị tài sản của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm An Thái còn không đủ để thanh toán cho ngân hàng.
Tương tự, hơn 3 năm qua, Công ty cổ phần đầu tư bê tông Công nghệ cao (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) cũng chưa thi hành bản án của Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch buộc công ty phải thanh toán cho cơ quan BHXH huyện Nhơn Trạch số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Qua xác minh của cơ quan THADS huyện Nhơn Trạch, Công ty cổ phần đầu tư bê tông Công nghệ cao đã ngưng hoạt động, nhà máy bỏ hoang, Ban giám đốc không còn ở công ty. Tài sản của công ty một phần thế chấp cho một ngân hàng ở Đồng Nai với tổng dư nợ hơn 17 tỷ đồng (ngân hàng này đã khởi kiện ra tòa và Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch đã xử lý đưa ra bán đấu giá tài sản thế chấp của công ty lần 7, tuy nhiên tổng giá trị tài sản thế chấp thẩm định thấp hơn dư nợ). Một số tài sản khác của công ty cũng đã thế chấp cho một ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh với tổng dư nợ hơn 447 tỷ đồng (hiện ngân hàng này đang khởi kiện công ty ra tòa). Quá trình xử lý tài sản thế chấp, sau khi chi trả cho bên nhận thế chấp nếu còn dư chi cục sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định.
* Gian nan trong thi hành án
Theo Cục THADS tỉnh, tính đến ngày 30-3, toàn ngành THADS tỉnh đang thụ lý thi hành 12 việc liên quan đến doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH (2 việc của Cục THADS tỉnh và 10 việc của các chi cục) với tổng số tiền phải thi hành án hơn 11,2 tỷ đồng. Đến nay, Cục THADS tỉnh đã giải quyết 2 vụ việc với số tiền khoảng 2,9 tỷ đồng nợ BHXH của Công ty rượu sâm panh Matxcova (Khu công nghiệp Biên Hòa 1).
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho biết, trong 10 vụ việc thi hành án tiền nợ BHXH còn lại (số tiền trên 8,2 tỷ đồng) chỉ có 1 vụ việc có điều kiện thi hành án. Hiện Chi cục THADS TP.Biên Hòa đang kê biên tài sản để thi hành án đối với số tiền nợ BHXH hơn 3,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Kumsung Vina (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa). 9 vụ việc còn lại được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành. Bởi vì, qua xác minh các doanh nghiệp còn nợ BHXH đều trong quá trình phá sản hoặc tuyên bố phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không còn tài sản để thi hành án...
Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH người lao động, theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, trước hết phải nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp khi phát hiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH. Bên cạnh đó cơ quan BHXH phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tránh để nợ đọng BHXH kéo dài; công bố công khai danh sách nộp BHXH của người lao động trên trang điện tử của đơn vị để người lao động dễ dàng truy cập theo dõi. Khi doanh nghiệp khai báo làm ăn thua lỗ thì cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo vệ người lao động, tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, tẩu tán tài sản... khiến tiền nợ BHXH trở thành một món nợ khó đòi, gây thiệt thòi cho người lao động.
Đoàn Phú