Báo Đồng Nai điện tử
En

Trận đánh làm "rung chuyển" Nhà Trắng

09:10, 30/10/2018

Cách đây 54 năm, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (tháng 8-1964) chính thức cho phép quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu đẩy mạnh tiến công và nổi dậy ở miền Nam.

Cách đây 54 năm, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (tháng 8-1964) chính thức cho phép quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu đẩy mạnh tiến công và nổi dậy ở miền Nam.

Một máy bay của Mỹ bị hư hỏng sau cuộc tấn công của pháo binh Miền.
Một máy bay của Mỹ bị hư hỏng sau cuộc tấn công của pháo binh Miền.

Thực hiện chỉ thị từ cấp trên, ngay từ đầu tháng 10-1964 các lực lượng của Miền, hoạt động mật... đã âm thầm chuẩn bị trận địa cho lực lượng pháo binh Miền tấn công Sân bay Biên Hòa là căn cứ không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Không lực Hoa Kỳ, là sân bay quân sự lớn nhất miền Nam.

* Chuẩn bị vào trận

Nhận được chỉ thị từ trên, ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (79 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, nguyên chính trị viên Đội Biệt động TX.Biên Hòa thời điểm đó) đã dẫn các trinh sát pháo binh vào quan sát sân bay từ phía Hóc Bà Thức (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa ngày nay). Sân bay khi đó có diện tích trên 40 km2 với 2 đường băng, chia làm 6 khu vực, mỗi khu vực gần 200 máy bay các loại. Từ đây, máy bay Mỹ có thể tấn công nhiều địa điểm khắp miền Đông Nam bộ trong thời gian ngắn.

Với chiến thắng Sân bay Biên Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Sĩ đã viết bài khen ngợi những chiến sĩ pháo binh Miền trên Báo Nhân Dân số 3878 (ra ngày 12-11-1964) như sau:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

Ông Nghĩa kể lại, khi đưa trinh sát đi điều nghiên trận địa, những biệt động như ông luôn sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật nhiệm vụ. Để vẽ được bản đồ bố trí sân bay, ông và đồng đội đã để cho các trinh sát đứng trên vai để quan sát được phía trong sân bay, “vẽ” lại sơ đồ sân bay trong trí nhớ. Tất cả đều phải làm trong bí mật, đêm có, ngày có để tránh bị địch phát hiện giăng bẫy bắt. Sau nhiều ngày quan sát, nhóm trinh sát cũng thu thập được những thông tin chi tiết để báo các cấp chỉ huy lên kế hoạch, phương án tấn công. Những điều này ông cũng chỉ biết lúc pháo đánh chứ khi đi trinh sát tất cả đều phải bí mật, ngay cả người đưa đi cũng không rõ làm gì.

Sau gần 1 tháng trinh sát, lực lượng Pháo binh đã chọn được vị trí đặt pháo và bắt đầu chuyển quân từ Chiến khu Đ vào Hóc Bà Thức từ chiều 31-10-1964. Các đơn vị tham gia trận đánh gồm: Đoàn pháo binh Miền, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và Đội vũ trang TX.Biên Hòa... nhanh chóng vào vị trí trong im lặng chờ giờ G sẽ nổ súng tấn công vào sân bay.

* Rung chuyển bầu trời TX.Biên Hòa

Đúng 23 giờ 30 ngày 31-10-1964, đồng loạt 9 khẩu súng cối 81mm, 2 khẩu ĐKZ 75mm liên tục được bắn vào Sân bay Biên Hòa. Sau khi bắn 15 phút với 130 viên đạn 75mm và 81mm, toàn bộ lực lượng tấn công nhanh chóng rút lui khỏi trận địa an toàn. Lúc này cả TX.Biên Hòa còi báo động từ các căn cứ quân sự hú vang, khắp Sân bay Biên Hòa khói đen cuộn lên, lính Mỹ tại căn cứ nhanh chóng đổ ra đường chặn các chốt và xử lý hậu quả trong sân bay.

“Những ngày sau, quân đội, cảnh sát chế độ cũ ráo riết lùng sục khắp TX.Biên Hòa, khu vực quanh sân bay, khu vực nằm trong tầm pháo bắn tạo nên bầu không khí náo loạn. Các cánh rừng, khu dân cư gần sân bay đều được phá bỏ, di dời ra xa, biệt động chúng tôi phải nằm im, nghe ngóng kết quả của trận đánh từ cơ sở mật. Dù rất khó khăn nhưng đến giờ nghĩ lại thì đó là một trong những trận đánh làm nức lòng quân dân TX.Biên Hòa trong thời điểm ác liệt đó” - ông Nghĩa kể.

Chỉ trong vòng 15 phút tấn công, lực lượng pháo binh đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc ấy; 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 trại lính.

Trận đánh vào Sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964 được xem là trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Nam vào sân bay chiến lược Biên Hòa kể từ lúc Mỹ chính thức đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Sau trận đánh, lực lượng pháo binh Miền đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích