Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, việc hoãn thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự. Tuy nhiên, hiện nay việc thực thi các quyết định hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, việc hoãn thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự. Tuy nhiên, hiện nay việc thực thi các quyết định hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Các chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp cùng cơ quan chức năng và chính quyền phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) cưỡng chế thi hành một bản án. Ảnh: Đ.PHÚ |
Vấn đề hoãn thi hành án dân sự (THADS) theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 48, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi tắt Luật THADS). Theo đó, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.
* Hoãn thi hành án trước thời điểm cưỡng chế
Ông Phan Văn Châu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì thủ trưởng cơ quan THADS có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong, cơ quan THADS phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Theo Điều 331, Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 373, Điều 400, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người được quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao.
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu kiến nghị Khoản 2, Điều 48, Luật THADS cần được sửa đổi theo hướng thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 103, Luật THADS. |
Về số lần được yêu cầu hoãn: người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được (Khoản 2, Điều 48, Luật THADS).
Về thời hạn hoãn: thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án, người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án (Khoản 2, Điều 48, Luật THADS).
Ông Phan Văn Châu nhấn mạnh, vấn đề hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị cũng được quy định tại Khoản 1, Điều 332, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật THADS. Việc hoãn thi hành án trong trường hợp này cũng được quy định tại Điều 261 Luật Tố tụng hành chính năm 2015: “Đối với quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu cơ quan THADS hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS”.
* Vẫn còn chỗ mâu thuẫn
Theo các chấp hành viên Cục THADS tỉnh, Khoản 2, Điều 48, Luật THADS quy định tương đối rõ ràng về trường hợp hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, quy định này vẫn có điểm chưa thống nhất với quy định khác dẫn đến việc thực thi các quyết định hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền vấp phải vướng mắc trong thực tế.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 103, Luật THADS quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
Thực tiễn đã xảy ra, có trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người trúng đấu giá thì nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị. Trong trường hợp này, cơ quan THADS có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá không?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Cục phó Cục THADS tỉnh phân tích, nếu cơ quan thi hành án quyết định hoãn thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá. Còn nếu không hoãn thi hành án thì vi phạm Khoản 2, Điều 48, Luật THADS. Do vậy, thực tế công tác đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung thêm quy định tại Khoản 2, Điều 48, Luật THADS nhằm tháo gỡ vướng mắc đối với trường hợp ngoại lệ trên cho phù hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong thực tiễn tổ chức thi hành án, việc hoãn thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về hoãn thi hành án là rất cần thiết nhằm tránh gây thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đương sự và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại...
Đoàn Phú