Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ vướng mắc về đăng ký hộ tịch

08:05, 07/05/2018

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân khi làm các thủ tục đăng ký hộ tịch.

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân khi làm các thủ tục đăng ký hộ tịch.

Công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch)
Công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ tịch.

Một trong những giải pháp đó là triển khai tiểu đề án Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho Việt kiều Campuchia về nước. Việc này sẽ giải quyết được tình trạng không có giấy tờ tùy thân của Việt kiều Campuchia đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

* Giải quyết hộ tịch cho Việt kiều Campuchia

Những năm qua Việt kiều Campuchia về Đồng Nai sinh sống khá đông, khoảng 1,6 ngàn người, hầu hết nhập cảnh trái phép về Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

Ông Lê Triết Như Vũ, Trưởng phòng Hành chính - tư pháp Sở Tư pháp, nhấn mạnh cần bảo đảm giải quyết cơ bản các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho Việt kiều Campuchia, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. 

Trên tinh thần đó, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiến hành đăng ký khai sinh cho 1.414 trường hợp là trẻ em, nhằm tạo điều kiện cho các em được học tập, thụ hưởng các chính sách ưu đãi về y tế, xã hội khác. Đồng thời, Sở Tư pháp cùng các địa phương cũng tháo gỡ những vướng mắc trong việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em là con của người di cư tự do từ Campuchia về và đang cư trú trên địa bàn tỉnh.

Có 3 nhóm trẻ em Việt kiều Campuchia được xác định quốc tịch Việt Nam gồm: trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, có cha, mẹ là người di cư tự do từ Campuchia về (cha, mẹ là người không quốc tịch hoặc không có giấy tờ gì để xác định nhân thân); trẻ em sinh ra tại Việt Nam hoặc sinh ra tại Campuchia mà cha mẹ của trẻ là người di cư tự do từ Campuchia về (cha, mẹ đã được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam); trẻ em sinh ra tại Việt Nam hoặc tại Campuchia nhưng trước khi sang Campuchia (cha, mẹ của trẻ đã đăng ký cư trú tại địa phương theo quy định của pháp luật về cư trú đối với công dân Việt Nam và hiện còn đang lưu giữ sổ sách, giấy tờ cư trú).

* Vẫn còn vướng mắc

Việc giải quyết vấn đề về hộ tịch cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung đã được Sở Tư pháp quán triệt trên tinh thần thông thoáng, nhanh gọn, không phiền hà. Tuy nhiên, hiện nay Luật Hộ tịch năm 2014 vẫn còn một số điểm chưa rõ khiến việc giải quyết các vấn đề hộ tịch cho người dân vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc về pháp lý.

Ông Lê Triết Như Vũ nêu vấn đề còn bất cập là việc yêu cầu xác định lại cha, mẹ, con nếu có tranh chấp thì tòa án mới thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, khi người dân có yêu cầu cơ quan tư pháp -  hộ tịch giải quyết việc xác định lại cha, mẹ, con mà đôi bên không có tranh chấp thì cơ quan tư pháp - hộ tịch không có cơ sở giải quyết nên đùn đẩy sang tòa. Tòa án lại đùn đẩy sang cơ quan tư pháp - hộ tịch vì lý do đôi bên không xảy ra tranh chấp thì tòa không có cơ sở thụ lý giải quyết.

Ngoài ra, Luật Hộ tịch giải thích từ ngữ: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”. Vậy quê quán của cha hoặc mẹ được xác định như thế nào, theo nơi trưởng thành hay là quê của người cha, người mẹ?

Theo phản ánh của các địa phương, do điều luật giải thích như vậy nên khi áp dụng vào thực tiễn thì xảy ra sự không đồng nhất, gây phiền phức cho người dân khi làm thủ tục liên quan đến xác định nguyên quán, quê quán. Nhiều người dân lúng túng không biết ghi quê quán ở đâu. Vì nếu ghi sai, sau này phải mất thời gian điều chỉnh lại hộ tịch. Chẳng hạn, trong một gia đình người anh đăng ký khai sinh tại thời điểm trước khi Luật Hộ tịch năm 2014 thông qua thì quê quán được xác định theo nơi sinh trưởng của người cha hoặc mẹ. Sau này, người em đăng ký khai sinh thì áp dụng việc xác định quê quán của ông nội dẫn đến việc không thống nhất.

Chính vì những quy định chưa rõ ràng, còn bất cập là một trong những khó khăn cho các địa phương khi giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ trong thời gian tới.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều