Trong quý I-2018, Đồng Nai được đánh giá là địa phương làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm mạnh về số người chết và bị thương do tai nạn giao thông...
Trong quý I-2018, Đồng Nai được đánh giá là địa phương làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Công trình hầm chui Tân Phong (TP.Biên Hòa) từ ngày thông xe tạm đã giải quyết đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông ở vòng xoay này thời gian trước. Ảnh: T.HẢI |
4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông khiến 66 người chết và 60 người bị thương. Riêng trên lĩnh vực đường thủy, đường sắt không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào. Đồng Nai là một trong những địa phương giảm mạnh về số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.
* Giảm, nhưng còn phức tạp
Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng Nai đã triển khai thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 18 (tháng 9-2012) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, lưu ý chủ đề của Năm An toàn giao thông 2018 là An toàn giao thông cho trẻ em, vì vậy cần tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ an toàn cho trẻ em. Theo đó, cần đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu nhi chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn… |
Dù vậy, theo đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn tuy có giảm, nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu không tập trung nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho thấy việc nâng cao trách nhiệm của lực lượng tuần tra kiểm soát và ý thức của người đi đường có ý nghĩa quyết định trong việc kéo giảm bền vững tai nạn.
Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành kế hoạch thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2018. Theo đó, Đồng Nai phấn đấu giảm tai nạn giao thông ít nhất 5-10% số vụ, số người chết và người bị thương, giảm tỷ lệ từ 1-2 người chết do tai nạn giao thông trên 100 ngàn
phương tiện cơ giới đường bộ.
Với những địa phương, tuyến đường có số người chết do tai nạn giao thông trong năm 2017 tăng phải giảm tối thiểu 10%; các địa phương, tuyến đường năm 2017 có số người chết giảm thì tiếp tục giảm tối thiểu 5%; giảm ít nhất 10% tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em; giảm tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài trên 30 phút.
Một mục đích đáng chú ý của đợt thi đua lần này là phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong xây dựng văn hóa giao thông; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; phê bình những tập thể, cá nhân không đạt được mục tiêu đề ra.
* Không chủ quan
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I-2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhận định tai nạn giao thông trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, chưa giảm được số người chết, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra, vì vậy cần đánh giá kỹ nguyên nhân, từ đó có giải pháp quyết liệt để giải quyết.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra an toàn giao thông đối với xe khách lưu thông trên quốc lộ 51 đoạn qua huyện Long Thành. |
Thống kê của các ngành chức năng cho thấy nguyên nhân tai nạn chủ yếu do hành vi tham gia giao thông không an toàn như: lái xe sai phần đường, sai làn đường, quá tốc độ, chuyển hướng không quan sát, vi phạm nồng độ cồn… Đặc biệt, trong thời gian qua có không ít vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng nồng độ cồn gây ra tai họa.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến này, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu xử lý vi phạm theo hướng chế tài nghiêm khắc hơn. Đồng thời khi đã chỉ rõ nguyên nhân, phải xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại; những điều làm tốt, khắc phục được thì phải làm ngay. Đó là lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Phó thủ tướng, trong thời gian tới Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phải khẩn trương ban hành kế hoạch tuyên truyền xử lý vi phạm nồng độ cồn cho năm 2018. Việc điều khiển phương tiện trong trạng thái say xỉn, không làm chủ được tay lái sẽ rất nguy hiểm dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra và xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Thanh Hải