Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Góp phần bảo vệ công lý

07:03, 22/03/2018

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bao gồm các quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự và nhiều điểm mới cập nhật thay cho Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bao gồm các quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự và nhiều điểm mới cập nhật thay cho Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao đổi về những nét mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: T.HẢI
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao đổi về những nét mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: T.HẢI

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

* Hình thức tố tụng

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết nếu Bộ luật Dân sự 2015 quan trọng về nội dung thì Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 lại là bộ luật quan trọng về hình thức. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những vấn đề liên quan đến: những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại tòa án.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ như sau: “Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Bộ luật quy định thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Theo luật gia Nguyễn Đức, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 góp phần bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

* Những quy định tiến bộ

Để giúp mọi người hiểu chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đánh giá toàn diện những đổi mới của bộ luật so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011, luật gia Vòng Khiềng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được mở rộng hơn so với bộ luật cũ.

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa).
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa).

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, ngoài các nội dung đã được nêu tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, bộ luật mới đã bổ sung thêm: “Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài”. Về nhiệm vụ, ngoài các nội dung đã được nêu tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, bộ luật mới bổ sung: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” và bãi bỏ nội dung “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bổ sung thêm trách nhiệm bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật gia đình vào quy định sau: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; bảo vệ người chưa thành niên; giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.

Luật gia Vòng Khiềng phân tích Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 làm rõ nội dung “Trên vùng lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo quy định, Bộ luật Tố tụng dân sự được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Do đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thay cụm từ “cơ quan lãnh sự của Việt Nam” thành cụm từ “cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự do cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.

Dưới góc nhìn của mình, luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) cho hay Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có nhiều điểm rất mới, như: cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự; mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Riêng quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bổ sung quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Luật sư Khanh phân tích, vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng, việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.

Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự được giới luật gia, luật sư quan tâm.

Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) chia sẻ theo quy định của luật, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự. “Ngoài việc chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp luật định, tòa án cũng có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ” - luật sư Hà nhấn mạnh.

Theo luật sư Cao Sơn Hà, nội dung của Điều 8, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước tòa án. Theo đó, tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết đối tượng áp dụng và hiệu lực của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bao gồm: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; mọi hoạt động tố tụng dân sự do cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ở nước ngoài; việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì vụ việc dân sự có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều