Thời điểm cuối năm là lúc công việc của người người, nhà nhà đều bận rộn, đặc biệt lại là mùa hanh khô nên rất dễ xảy ra mất an toàn cháy, nổ vì một phút bất cẩn...
Thời điểm cuối năm là lúc công việc của người người, nhà nhà đều bận rộn, đặc biệt lại là mùa hanh khô nên rất dễ xảy ra mất an toàn cháy, nổ vì một phút bất cẩn. Do đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tỉnh đã nắm bắt tình hình, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn PCCC dịp cuối năm.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 1 kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn cháy, nổ tại cây xăng. ảnh: Tư liệu |
Những năm qua, thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới đã xảy ra một số vụ cháy trên địa bàn tỉnh, như: vụ cháy căn nhà ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) làm bé trai 5 tuổi tử vong ngày 7-1; vụ cháy nhà trên đường Phan Đình Phùng (thuộc KP.5, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) làm 5 người thiệt mạng ngày 22-12-2013…
* “Bà Hỏa” rình rập
Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh đã hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai tiếp các nội dung xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Kết quả, đã có 127/211 đơn vị đăng ký tham gia đủ điều kiện được Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân PCCC. 25 đơn vị đầu tư hạ tầng của 32 khu công nghiệp, 1.043 doanh nghiệp trên địa bàn đã ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Toàn tỉnh xây dựng 11 cụm cơ quan, doanh nghiệp, 13 khu dân cư an toàn PCCC và nhiều hoạt động tuyên truyền về PCCC cho các doanh nghiệp, người lao động, khu dân cư, các tổ chức tôn giáo... |
Cuối năm cũng là lúc bắt đầu bước vào mùa khô, hoạt động sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt gia đình lại càng nhiều hơn ngày bình thường.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quảng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (phụ trách khu vực TP.Biên Hòa), việc mất an toàn cháy, nổ dịp cuối năm có thể đến từ những hoạt động rất bình thường, như: lúc các hộ gia đình dọn dẹp nhà cửa đốt bỏ rác thải hay đồ cũ; các hộ vừa ở vừa kinh doanh nhập nhiều hàng hóa, chất thành đống cao chạm trần nhà, chắn các lối thoát hiểm, các vị trí cầu dao, ổ điện…
Với các công ty, dịp cuối năm thường nhập nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nên các kho chứa dễ bị dồn ứ, chắn các vị trí thoát hiểm, che khuất bình chữa cháy, khi xảy ra sự cố thì khối lượng hàng hóa lớn dễ bắt lửa nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát của đội PCCC cơ sở.
Ở TP.Biên Hòa có đặc điểm là nhiều công ty tại các khu công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và nhà cao tầng nằm san sát nhau, nếu xảy ra sự cố cháy, nổ rất dễ lan nhanh nếu không kịp thời dập tắt.
Tại các vùng nông thôn, không khí bận rộn cuối năm cũng dễ khiến người dân lơ là, cộng với việc mùa khô bắt đầu nên nguy cơ cháy, nổ càng dễ xảy ra. Đặc biệt, thói quen đốt vàng mã vào các dịp giỗ, cúng cuối năm, hay đốt mía tại các rẫy mía sau khi thu hoạch nhưng không kiểm soát…, cũng rất dễ xảy ra cháy.
Thượng tá Phạm Thế Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 5 (phụ trách khu vực huyện Tân Phú và Định Quán), cho biết: “Địa bàn chúng tôi quản lý có ít công ty, xí nghiệp nhưng nhiều hộ dân còn dựng nhà bằng gỗ với nhiều vật liệu dễ cháy trong nhà, một số nơi còn câu kéo điện mất an toàn. Đặc biệt, có một phần của Vườn quốc gia Cát Tiên, vào mùa khô luôn rập rình nguy cơ hỏa hoạn”.
Do đó, điều cốt yếu là mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan phải ý thức được nguy cơ cháy, nổ và biết bảo vệ bản thân, tài sản bằng cách tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống cháy, nổ. Nhưng để người dân biết cần phải làm gì, làm thế nào thì biện pháp quan trọng nhất luôn được lực lượng PCCC chú tâm đó chính là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.
* Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngoài những lần kiểm tra định kỳ, các phòng cảnh sát PCCC địa phương còn tổ chức kiểm tra đột xuất về công tác PCCC, qua đó thấy được những hạn chế mà các cơ sở, hộ dân còn mắc phải.
Chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh cứu người thoát khỏi đám cháy bằng đường ống thoát hiểm di động. ảnh: Tư liệu |
Lực lượng cảnh sát PCCC còn tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các công ty, khu dân cư nhằm giúp mọi người nắm được cách xử lý tình huống và kịp thời thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
“Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần phải sắp xếp các kiện hàng trong kho hợp lý, không để tình trạng chắn lối thoát hiểm; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy, như: bình chữa cháy, lăng vòi, máy bơm chữa cháy... Phải đảm bảo quân số thường trực của đội PCCC cơ sở, kể cả dịp lễ, tết. Tại các khu chung cư cao tầng, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư…, cần phải kiểm tra và thay thế các thiết bị dùng điện đã cũ, đặc biệt là không đốt vàng mã ở chung cư; thắp nhang phải cẩn thận, không được để gần vật dễ bắt lửa” - Thượng tá Quảng cảnh báo.
Tại khu vực huyện miền núi Tân Phú - Định Quán, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 thường xuyên tổ chức những buổi diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, đặc biệt là phối hợp với các đơn vị có liên quan diễn tập phương án chữa cháy tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Qua đó, người dân quanh rừng và Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ biết cần phải làm gì, làm thế nào khi phát hiện ra cháy.
“Khi khu vực giáp ranh xảy ra các sự cố cháy nổ, chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị, địa phương khác, như: ban chỉ huy quân sự huyện, phòng cảnh sát PCCC các địa phương khác điều động lực lượng tiến hành xử lý. Nhưng đó là cách chữa, quan trọng nhất vẫn cách phòng, đặc biệt là từ người dân, vì cháy nổ luôn xảy ra bất ngờ, không thể nói trước được điều gì” - Thượng tá Hùng chia sẻ.
Đăng Tùng