Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

09:06, 11/06/2017

Lâu nay, hoat động vận tải hàng hóa trên các tuyến sông qua Đồng Nai rất nhộn nhịp, với hàng trăm bến thủy nội địa, kho cảng… tập kết dọc 2 bên bờ. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng trên tuyến đường sông hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Lâu nay, hoat động vận tải hàng hóa trên các tuyến sông qua Đồng Nai rất nhộn nhịp, với hàng trăm bến thủy nội địa, kho cảng… tập kết dọc 2 bên bờ. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng trên tuyến đường sông hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra một tàu chở vật liệu xây dựng.
Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra một tàu chở vật liệu xây dựng.

Bước vào mùa mưa lũ, việc đảm bảo an toàn đi lại của ghe, tàu trên sông lại trở thành vấn đề “nóng” của người dân và các ngành chức năng.

* Vận tải hàng hóa trên sông đã vào nề nếp

Theo Thanh tra giao thông tỉnh, qua tập trung kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa hoạt động không phép, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng bến thủy nội địa hoạt động trái phép.

Các sông lớn chảy qua TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… luôn có một lượng lớn bến thủy nội địa, mỏ vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát, đá) hoạt động, nên luôn có đông sà lan, tàu thuyền vào ra “ăn hàng”.

Nhằm giảm chi phí vận chuyển, nhiều chủ phương tiện đã chở hàng với số lượng vượt quá quy định cho phép, dẫn đến tình trạng phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, vi phạm quá tải xảy ra phổ biến. Từ các loại ghe bầu nhỏ vài chục tấn cho đến các loại sà lan cả ngàn tấn, đa số đều chở lút thành ghe, lút mặt boong, chỉ còn chừa lại be gió.

Hàng ngày, các sà lan chở đầy vật liệu xây dựng vẫn ung dung di chuyển ngược xuôi trên sông như những “quả núi” di động, nếu gặp sóng to, gió lớn rất dễ bị chìm. Thậm chí, nhiều trường hợp sà lan đâm, va vào chân cầu hay các phương tiện giao thông thủy khác, gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, suốt một thời gian dài, những bến thủy nội địa, bãi chứa vật liệu xây dựng dọc 2 bên sông hoạt động rất phức tạp. Phần lớn những bến bãi này kinh doanh không phép, cố tình cung cấp vật liệu, hàng hóa cho phương tiện chở quá tải.

Mới đây, Sở Giao thông - vận tải đã ra quyết định đình chỉ  9 bến thủy hoạt động không có giấy phép, tập trung nhiều nhất là dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu. Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử lý các lỗi vi phạm chủ yếu, như: sử dụng các thiết bị không đảm bảo an toàn, phương tiện vận chuyển không đăng ký, bụi đá phát sinh từ việc bốc xếp gây ô nhiễm môi trường…

Theo Thanh tra giao thông tỉnh (thuộc Sở Giao thông - vận tải), từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.024 lượt phương tiện vận chuyển hàng trên sông Đồng Nai, qua đó cảnh báo, nhắc nhở 415 trường hợp, lập biên bản xử lý rất nhiều phương tiện. Cụ thể, lỗi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn 27 phương tiện; neo đậu tại nơi cấm cho phép 8 trường hợp; lỗi không kẽ vạch dấu mớn an toàn của phương tiện 1 trường hợp…

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, từ khi các cơ quan chức năng kiên quyết lập lại trật tự trên các tuyến sông, buộc các phương tiện chấp hành các quy định về lưu thông, giảm tải hàng, đến nay việc vận chuyển hàng hóa đã vào nề nếp, không còn tình trạng sà lan, tàu vận tải lớn chở vật liệu xây dựng tập trung hàng dài di chuyển trên sông gây mất an toàn giao thông đường thủy. Qua đó, phần nào đảm bảo an toàn, yên tâm lưu thông cho những phương tiện khác.

* An toàn trong mùa mưa bão

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên đường thủy nội địa, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; người đi đò, phà phải mặc áo phao. Thế nhưng, trong mùa mưa bão này, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn còn xảy ra.

Hiện nay, ngoài áo phao thì vật liệu nổi cầm tay được trang bị đầy đủ cho các phà chở khách. Khi chẳng may xảy ra sự cố, các đồ dùng này trở thành phao dự phòng giúp hành khách có thêm phương tiện cứu sinh. Bởi vào mùa mưa bão, nước trên các con sông dâng cao, những lúc mưa gió tạo thành các đợt sóng lớn gây nguy hiểm cho thuyền, phà lưu thông. Vì vậy, việc sử dụng phao cứu sinh, vật liệu nổi khi đi đò, phà hết sức cần thiết.

Nhưng trên thực tế, các chuyến đò, phà chở khách vẫn vô tư rời bến dù khách không trang bị áo phao, dụng cụ nổi theo quy định. Chỉ khi phát hiện ca nô tuần tra của cảnh sát đường thủy, thanh tra giao thông đường thủy từ xa thì nhiều chủ bến, lái phà mới cấp áo phao, đưa dụng cụ nổi cho hành khách.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài việc chủ bến còn buông lỏng, ngại nhắc nhở hành khách, còn có lý do xuất phát từ thói quen chủ quan của hành khách. Nhiều người cho rằng đi từ bờ này sang bờ kia chỉ khoảng vài phút nên mặc áo phao hết sức bất tiện và không muốn sử dụng.

Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 đường thủy Lê Quang Thái cho rằng lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các chủ bến, lái phà chấp hành nghiệm Luật Giao thông đường thủy nội địa trong việc vận chuyển hành khách đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời cũng nhắc nhở hành khách tự giác mặc áo phao, dụng cụ nổi khi xuống phà.

Đối với trường hợp các bến đò, phà không đủ điều kiện hoạt động, vi phạm nhiều lần sẽ đình chỉ hoạt động. Thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông đường thủy đã tập trung kiểm tra các bến phà: Xóm Lá, Bửu Long, Lợi Hòa, Bình Thới, Kho, Trạm… và đã có 9 trường hợp chủ phà bị lập biên bản xử phạt về lỗi không hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị an toàn cho hành khách đi phà.

“Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục bám các tuyến sông để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, như: chở quá tải, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn kỹ thuật… Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đò, phà chở khách xuất bến mà thiếu các điều kiện về an toàn” - ông Thái nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều