Báo Đồng Nai điện tử
En

Thẩm định tài sản chưa chuẩn, bị can có dấu hiệu bị oan

10:10, 23/10/2016

Sau khi đập vỡ kính ô tô của người khác, ông Lê Thanh Sử (38 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu ra quyết định khởi tố bị can để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.

Sau khi đập vỡ kính ô tô của người khác, ông Lê Thanh Sử (38 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu ra quyết định khởi tố bị can để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vụ án có dấu hiệu oan, bởi việc định giá tài sản để xác định tội phạm chưa phù hợp.

* Đi đòi nợ lại đập vỡ kính ô tô

Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng 16 giờ 50 ngày 6-4, ông Sử đến nhà anh M.A.V. (ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) để đòi nợ. Do gọi nhiều lần mà anh V. không ra, ông Sử đã tức giận nhặt cục gạch ném vào nhà, làm bể kính chắn gió phía sau xe ô tô Ford Everest của ông M.A.T. (cha của anh V.) đang đậu trước sân. Sự việc xảy ra đã được ông Sử đến Công an xã Bình Hòa trình báo và Công an xã đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an huyện Vĩnh Cửu điều tra theo thẩm quyền.

Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu đã yêu cầu Hội đồng thẩm định giá huyện Vĩnh Cửu định giá tài sản đối với tấm kính chắn gió xe ô tô (bị ném vỡ) để có cơ sở khởi tố vụ án. Biên bản số 23/BB-ĐGTS ngày 28-4 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Vĩnh Cửu đã kết luận trị giá thiệt hại chiếc kính chắn gió 2,8 triệu đồng.

Không đồng tình với việc định giá tấm kính xe cũ với giá mới 100%, ông Sử đã có đơn đề nghị định giá lại.

Tiến hành định giá lại, Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai kết luận tổng giá trị tài sản được thẩm định giá hơn 3,2 triệu đồng (bao gồm cả tiền công, keo dán và thuế).

Căn cứ vào kết quả thẩm định của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Vĩnh Cửu và kết quả thẩm định của Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai, vào ngày 22-7, Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Sử về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.

Quá trình điều tra, ông Sử đã làm đơn khiếu nại căn cứ phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là kết quả định giá không áp dụng khấu hao tài sản theo quy định. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát vẫn giữ quan điểm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Sử.

* Thẩm định kính cũ với giá kính mới

Về việc định giá tài sản cũ với chất lượng mới 100%, ông Trần Mạnh Hà, thẩm định viên về giá thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai, cho biết tấm kính chắn gió là một bộ phận chi tiết rất nhỏ của chiếc xe; nếu bị hư hỏng phải thay bằng tấm kính mới nên định giá bằng tấm kính mới. Hiện nay, loại xe Ford Everest không có niên hạn sử dụng, chiếc kính đã bị vỡ vụn, không thể biết giá trị sử dụng còn lại bao nhiêu và cũng chưa có quy định pháp luật cụ thể phải khấu hao bao nhiêu cho chiếc kính xe nên không có cơ sở để khấu hao tài sản.

“Việc định giá tài sản của cơ quan thẩm định giá chỉ mang tính chất tham khảo để cơ quan tố tụng có cơ sở xem xét về hành vi của người phạm tội trong vụ án. Còn việc nhận định để xử lý hình sự đối với ông Sử hay không là do quan điểm và cách đánh giá của cơ quan điều tra” - ông Hà nói.

Theo Thông tư 55/2006/TT-BTC ngày
22-6-2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 2-3-2005 của Chính phủ về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, để xác định giá trị thực tế của tài sản đã qua sử dụng thì hội đồng định giá tài sản phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi tính phần hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại của tài sản đó.

Được biết, chiếc xe Ford Everets của ông T. có thời gian xuất xưởng từ năm 2006. Đến thời điểm vụ việc xảy ra, chiếc xe đã qua sử dụng 10 năm.

Luật sư Nguyễn Quang Khiêm, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết không có quy định pháp luật nào không khấu hao tài sản, mà chỉ có quy định về khấu hao tài sản. Hơn nữa, sau khi Quốc hội ra Nghị quyết 144/016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13…, vào ngày 13-9, Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn số 276/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, “Kể từ ngày 1-7, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm  2015 có hiệu lực thi hành... Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về: xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội”.

Theo đó, trường hợp của ông Sử có thể được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội là loại trừ trách nhiệm hình sự.

Một vị thẩm phán (xin không nêu tên) cho biết đối với vụ án này, cơ quan thẩm định giá đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định tài sản thiệt hại và giá trị tài sản bị hủy hoại. Điều này có nghĩa, khi xử lý trách nhiệm hình sự phải dựa vào giá trị tài sản bị hủy hoại, hư hỏng (giá trị còn lại sau khi khấu hao tài sản), còn tài sản thiệt hại chỉ xác định về mặt dân sự bồi thường (thay kính mới 100%). Còn trường hợp thẩm định giá không thể xác định được giá trị tài sản bị hủy hoại (giá trị còn lại của tấm kính) thì không có cơ sở để xử lý hình sự đối với người phạm tội.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều