Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua bán tiền giả, lãnh án thật

10:04, 03/04/2015

Để thu lợi bất chính, các bị cáo đã không ngừng tuồn tiền giả sản xuất tại Trung Quốc về Việt Nam sử dụng. Đáng nói, ngay kẻ đang chấp hành án trong trại giam vẫn có thể điều khiển hoạt động tiêu thụ tiền giả.

Để thu lợi bất chính, các bị cáo đã không ngừng tuồn tiền giả sản xuất tại Trung Quốc về Việt Nam sử dụng. Đáng nói, ngay kẻ đang chấp hành án trong trại giam vẫn có thể điều khiển hoạt động tiêu thụ tiền giả.

* Từ “đại lý” tiền giả…

Trong thời gian sinh sống ở Trung Quốc, bị cáo Đặng Thị Lan (61 tuổi, quê TP.Hải Phòng, lấy chồng người Trung Quốc) biết đối tượng Trịnh Hải Lâm (sống ở Trung Quốc) chuyên mua bán tiền giả, nên đã liên tục đặt mua và trở thành “đại lý” cung cấp tiền giả cho nhiều đối tượng đưa về Việt Nam tiêu thụ. Từ hành vi của Lan đã tạo ra một đường dây tiêu thụ tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam. Với hoạt động tinh vi, đường dây này hoạt động từ năm 2010-2014 mới bị Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Thông qua một số người bạn, Lan đã quen biết với Lê Quang Vinh (61 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phan Thị Nẩy (33 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh), cặp đôi này sống với nhau như vợ chồng. Đến giữa năm 2012, Vinh dẫn Nguyễn Văn Mão (28 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị, em họ của Vinh) đến làm quản lý quán ăn do Nẩy làm chủ tại tỉnh Bắc Ninh. Vì muốn lôi kéo Mão vào đường dây tiêu thụ tiền giả, Nẩy đã giới thiệu Mão gặp Lan bàn chuyện làm ăn. Từ đây, Lan và Mão đã thỏa thuận mua bán tiền giả với tỷ lệ 25/100 (25 triệu đồng tiền thật mua được 100 triệu đồng tiền giả).

Tháng 11-2012, sau khi Mão đặt mua 85 triệu đồng tiền giả với giá hơn 21 triệu đồng, Lan đã mua của Lâm số tiền giả này với giá hơn 15 triệu đồng rồi bán lại cho Mão ăn tiền chênh lệch.

Sau “phiên giao dịch” đầu tiên thành công tại TP.Bắc Ninh, Mão còn 2 lần đặt mua tiền giả từ Lan với tỷ lệ 30 triệu đồng lấy 120 triệu tiền giả.

*… Đến đường dây lưu hành tiền giả

Năm 2012, sau khi bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xử phạt 20 năm tù về tội lưu hành tiền giả, bị cáo Vinh vẫn điều khiển được “đại lý” bán tiền giả của mình và đã tuồn ra thị trường một số tiền giả không ít.

Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý của cán bộ Trại giam Hoàng Tiến (tỉnh Hải Dương, nơi Vinh đang chấp hành án), Vinh đã sử dụng điện thoại liên lạc với Nẩy để mua của Lan gần 1 tỷ đồng tiền giả với tỷ lệ 26/100 để bán lại cho Nguyễn Văn Năm (33 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) theo tỷ lệ 35/100, bán cho Nguyễn Minh Luân (35 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) với tỷ lệ 40/100.

Để tiện cho việc giao dịch, Vinh đã nhờ người anh ruột đến Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp - phát triển Nông thôn TP.Vũng Tàu mở dịch vụ mobile banking (thanh toán tiền qua điện thoại). Nhờ vào tài khoản này, Vinh đã dễ dàng giao dịch tiền thật với Lan, Nẩy, Năm và Luân. Cũng từ đây, đường dây buôn bán tiền giả được mở rộng với sự tham gia của các đối tượng: Trần Quốc Cường (34 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), Đinh Xuân Mạnh (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), Trịnh Văn Phong (41 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và đem đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Sau nhiều lần chọn TP.Biên Hòa làm điểm giao dịch, vào ngày 11-5-2014, khi Nẩy mang hơn 300 triệu đồng tiền giả đến ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) để giao cho “đối tác” thì bị Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ. Đấu tranh khai thác Nẩy, vào ngày 16-5-2014, công an đã bắt giữ Lan khi đối tượng đang vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc đến Bắc Ninh. Từ đây, các “chân rết” trong đường dây tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả này đã lần lượt bị bắt.

Khai nhận trước tòa, bị cáo Lan thừa nhận đã 11 lần mua bán tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng tiền giả, thu lợi bất chính gần 75 triệu đồng. Các đối tượng còn lại thu lợi từ hành vi phạm pháp này từ 30-70 triệu đồng.

Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo cho rằng bản thân chưa hiểu biết pháp luật nên gây ra tội. Nhưng vị chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở: “Dù các bị cáo nói không hiểu pháp luật, nhưng ai cũng biết lưu hành tiền giả là hành vi phạm pháp. Thay vì lao động chân chính để kiếm những đồng tiền hợp pháp, các bị cáo lại móc nối với nhau đưa tiền giả vào sử dụng. Hành động này ngang nhiên chống lại Nhà nước, không tôn trọng pháp luật”.

Các bị cáo cho rằng bản thân không hiểu biết pháp luật nên mới làm chuyện phạm pháp, nhưng với lý lịch “đen” dính dáng đến tiền giả (bị cáo Vinh đang chấp hành án 20 năm tù, Luân vừa chấp hành xong bản án 9 năm tù, vợ Luân đang phải chấp hành bản án 12 năm tù, Mão chấp hành xong bản án 7 năm tù đều về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả) thì đâu thể nói không hiểu biết pháp luật. Chỉ có điều, nhiều kẻ vì muốn thu lợi bất chính mà bất chấp pháp luật, gây mất an ninh xã hội.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều