Chỉ vì một phút mải chơi, một giây bất cẩn ở hầm đá gần nhà, hai em Võ Tuấn Kiệt và Nguyễn Văn Công, đều ngụ ấp An Hòa, xã Hóa An (TP.Biên Hòa) mãi mãi nằm xuống ở tuổi 13, để lại nỗi đau không thể bù đắp được trong lòng người thân, thầy cô và bạn bè.
Chỉ vì một phút mải chơi, một giây bất cẩn ở hầm đá gần nhà, hai em Võ Tuấn Kiệt và Nguyễn Văn Công, đều ngụ ấp An Hòa, xã Hóa An (TP.Biên Hòa) mãi mãi nằm xuống ở tuổi 13, để lại nỗi đau không thể bù đắp được trong lòng người thân, thầy cô và bạn bè.
* Tang thương nơi xóm nhỏ
Đôi mắt thâm quầng và sưng đỏ vì suốt đêm cùng người nhà đi tìm em Võ Tuấn Kiệt, ông Võ Văn Trí (38 tuổi, cha em Kiệt) nghẹn ngào chỉ tay vào 2 chiếc cặp đặt trong góc nhà rồi nói với chúng tôi: “Sáng hôm qua, sau khi đi học thêm về, tụi nó để cặp ở nhà tui rồi đi chơi. Tui còn dặn thằng Kiệt đi chơi nhớ tranh thủ về ăn cơm trưa rồi đi học. Nhưng có ai ngờ, đó là lần cuối tui nhìn thấy con mình”. Nói xong, ông Trí lấy những tấm hình chụp em Kiệt ra xem, như muốn ghi nhớ thật kỹ hình ảnh đứa con trai trước khi đưa em về nơi an nghỉ.
Hình em Võ Tuấn Kiệt (thứ hai từ phải sang) mới chụp gần đây khi em nhận chứng chỉ ngoại ngữ ở một trung tâm ngoại ngữ tại TP.Biên Hòa. |
Em Hoàng Văn Hiếu Nhân (13 tuổi, ngụ xã Hóa An, bạn học với Kiệt và Công) kể lại, khoảng 9 giờ ngày 15-4, sau khi đi học thêm về, Nhân, Kiệt và Công rủ nhau đến khu hầm đá đã ngưng khai thác cách nhà Kiệt khoảng cây số để chơi. Đến nơi, thấy hầm đá nguy hiểm, Nhân kêu Kiệt và Công quay về, nhưng hai bạn không nghe, Nhân bỏ về nhà trước.
Đến khi biết tin Kiệt và Công không về nhà, Nhân đã kể cho cha mẹ biết chuyện cả 3 đi đến khu hầm đá chơi lúc sáng. Lúc bấy giờ, gia đình ông Trí tỏa đi tìm khắp các nơi Kiệt hay đến chơi, nhưng không thấy. Đến khi đi đến khu vực hầm đá, mọi người phát hiện bộ quần áo và đôi dép của Kiệt và Công. Nghi có chuyện chẳng lành, gia đình ông Trí thuê người lặn xuống đáy hầm đá tìm. Khoảng 3 giờ ngày 16-4, mọi người mới vớt được thi thể của 2 em Kiệt và Công lên bờ.
* Khó khăn chồng thêm khó khăn
Đến nhà ông Nguyễn Văn Thành (cha em Nguyễn Văn Công), chúng tôi được biết hoàn cảnh gia đình em Công rất khó khăn. Ông Thành làm thợ điện. Năm 2006, ông bán nhà ở huyện Cẩm Mỹ rồi đưa cả gia đình đến xã Hóa An trú ngụ. Đến nay, tiền mua đất đã trả hết, ông Thành dự định dành dụm số tiền vợ chồng đi làm mỗi tháng để sửa lại căn nhà cấp 4 của mình, nhưng không ngờ lại gặp tai họa.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ trẻ em chết đuối, trong đó 2 huyện Xuân Lộc và Định Quán là nơi xảy ra nhiều nhất. Ông Hà Minh Đương, Phó chủ tịch UBND xã Hóa An (TP.Biên Hòa), cho biết sắp tới chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ ở các ấp, trường học nằm trên địa bàn để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra. |
“Công là con út trong nhà, cháu ngoan lắm. Mẹ Công làm công nhân, bữa nào mẹ cháu không ở nhà buổi trưa thì cháu đi học thêm về là nấu cơm để cho tui đi làm về ăn. Hôm đó mẹ cháu ở nhà buổi trưa, nên cháu muốn đi chơi một lúc, không ngờ cháu đi chuyến đó rồi không bao giờ về nữa” - nói rồi, ông Thành gục mặt xuống bàn nức nở. Người đàn ông 40 tuổi trước mặt chúng tôi lúc này như suy sụp hoàn toàn sau mất mát quá lớn.
Ông Trí cho biết thêm, hầm đá nơi 2 em Kiệt và Công gặp nạn đã ngưng khai thác từ lâu, thành đá dựng đứng rất sâu, tuy có hàng rào và bảng cấm nhưng trẻ em hiếu kỳ vẫn có thể chui vào được.
Đây không phải lần đầu tiên ở xã Hóa An xảy ra chuyện trẻ em chết đuối khi tắm sông, hồ. Vụ việc xảy ra cũng là lời cảnh báo các bậc phụ huynh về việc quản lý giờ giấc sinh hoạt của con em mình, tránh để điều đáng tiếc xảy ra, nhất là khi dịp nghỉ hè đang đến gần.
Đăng Tùng