Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ hòa giải 5 tốt

An Nhơn
08:34, 13/04/2024

Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) được đưa vào hoạt động ổn định hơn 10 năm nay và trở thành một trong những mô hình tiêu biểu tại địa phương.

Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) tổ chức buổi hòa giải về vấn đề mâu thuẫn vay mượn tiền cho người dân trên địa bàn. Ảnh: A.Nhơn

Thời gian qua, Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn đã giải quyết kịp thời nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong dân và tạo sự gắn kết tình cảm của bà con. Đặc biệt, Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn được lãnh đạo thành phố Long Khánh tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2024.

Kịp thời giải quyết yêu cầu của dân

8 giờ 30 ngày 5-4-2024, tại Nhà văn hóa ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn), Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn đã tổ chức buổi hòa giải về vấn đề cho vay mượn tiền giữa ông N.M.N. (người cho vay tiền) và ông T.H.S. (người mượn tiền).

Theo nội dung vụ việc, ông S. mượn của ông N. 100 triệu đồng từ năm 2022, nhưng đến một năm sau đó mà ông S. vẫn không trả nợ. Ông N. không đòi được tiền nên đã làm đơn gửi đến Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn nhờ can thiệp.

Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn sau khi tiếp nhận đơn của người dân liền tiến hành xác minh cụ thể thông tin và mời các bên liên quan đến làm việc. Tại buổi hòa giải, ông S. thừa nhận có mượn của ông N. số tiền trên và hứa sẽ trả mỗi tháng 5 triệu đồng, cho đến khi xong nợ. Tuy nhiên, ông S. chỉ trả được 3 tháng với số tiền 15 triệu đồng, rồi ngưng lại. Vì hai bên không tự thống nhất được phương án giải quyết nên ông N. đã làm đơn lần thứ 2 “cầu cứu” tổ hòa giải.

Công chức tư pháp - hộ tịch xã Hàng Gòn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, xã có 3 tổ hòa giải với 23 hòa giải viên; trong đó, Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn hoạt động nổi trội nhất. Tổ có đội ngũ hòa giải viên nhiều kinh nghiệm và tận tâm với công việc. Hầu hết các vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn ấp đều được tổ hòa giải thành công. Điều này giúp cho việc gắn kết mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng tốt hơn, đồng thời hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đơn thư vượt cấp tại địa phương.

Tại buổi hòa giải, Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn Nguyễn Đình Phùng (chủ trì buổi hòa giải) đã đọc công khai nội dung đơn yêu cầu giải quyết vụ việc cho mọi người cùng nghe. Tiếp đó là phần phát biểu ý kiến của hai bên liên quan. Không khí của buổi hòa giải bắt đầu “nóng” lên vì các bên đều dành phần phát biểu, mỗi bên đều đưa ra những lập luận riêng nhằm bảo vệ quan điểm của mình, không ai chịu nhường nhịn.

Thấy tình hình trở nên căng thẳng, ông Nguyễn Đình Phùng đã điều hành, giữ gìn trật tự tại buổi hòa giải và yêu cầu các bên phải giữ bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau. Ý kiến của các bên giúp cho tổ hòa giải có cơ sở đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Từ đó, những người có mặt tại nhà văn hóa đã chấp hành sự điều hành của người chủ trì buổi hòa giải.

Phát biểu tại buổi hòa giải, ông N. cho rằng, ông S. nợ tiền của ông kéo dài đã 2 năm nay. Do đó, ông đề nghị tổ hòa giải can thiệp, yêu cầu ông S. phải trả dứt điểm số tiền 85 triệu đồng, chứ không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa.

Giải thích vấn đề vay mượn tiền kéo dài, ông S. cho biết, công việc thợ hồ của ông trong thời gian gần đây thường xuyên không ổn định, thu nhập bấp bênh nên gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ông hứa sẽ cố gắng tìm việc làm để có tiền chi trả cho ông N. trong thời gian tới. Cụ thể, ông sẽ trả 3 triệu đồng/tháng khi công việc làm ổn định và trả từ 1-2 triệu đồng/tháng khi công việc làm không thường xuyên. Việc trả tiền sẽ được duy trì hàng tháng cho đến khi trả xong số tiền 85 triệu đồng.

Sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến cũng như nguyện vọng của hai bên, các thành viên trong tổ hòa giải đã giải thích các quy định pháp luật liên quan đến việc vay mượn tiền. Đồng thời, khuyên họ cố gắng giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đừng vì một lợi ích nhỏ mà làm ảnh hưởng đến tình cảm của nhau.

Việc hòa giải có tình, có lý đã giúp 2 gia đình nhận ra lỗi sai trong lúc tức giận và cùng nhau vui vẻ bỏ qua mọi chuyện. Theo đó, ông N. đồng ý cho ông S. trả nợ dần mỗi tháng từ 1-3 triệu đồng. Còn ông S. hứa sẽ cố gắng lo làm kiếm tiền để trả xong số nợ cho ông N.

Trên đây là một câu chuyện điển hình trong cả trăm vụ việc đã được các thành viên Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn giải quyết thành công trong thời gian qua.

Gắn kết tình làng xóm

Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn Nguyễn Đình Phùng cho biết, tổ hòa giải được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã hơn 10 năm. Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, tổ hòa giải thường xuyên kiện toàn nhân sự hàng năm theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Hiện tổ có 7 thành viên là những người uy tín, gương mẫu và được người dân tín nhiệm.

Thời gian qua, chất lượng hòa giải, kỹ năng hòa giải của từng hòa giải viên không ngừng nâng cao và đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện các hoạt động hòa giải đối với từng vụ việc cụ thể phát sinh trên địa bàn. Hoạt động của tổ hòa giải nhờ đó đã mang lại hiệu quả ngày càng cao.

“Hàng năm, chúng tôi tiếp nhận khoảng 7-10 đơn thư của người dân (liên quan đến tranh chấp đường đi, ranh giới đất, vay mượn tiền…) và đã tổ chức hòa giải thành với tỷ lệ gần 100%. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận 4 vụ việc và đều tổ chức hòa giải thành công” - ông Phùng cho hay.

Khi đề cập đến danh hiệu Tổ hòa giải 5 tốt ấp Hàng Gòn, ông Phùng giải thích, “5 tốt” ở đây có nghĩa là khi nhận đơn thì phải giải quyết kịp thời cho dân; xuống địa bàn xác minh thông tin giữa các bên liên quan và cả hàng xóm chứng kiến nhằm nắm cụ thể vụ việc; hội ý các thành viên trong tổ hòa giải để thống nhất phương án trước khi đưa vụ việc ra hòa giải; mời các bên đến hòa giải theo đúng quy định pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu để chấp hành cho đúng, đồng thời vận động bà con gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau. Chính nhờ thực hiện tốt trình tự các thủ tục trên đã giúp công tác hòa giải mang lại hiệu quả cao.

Cũng theo ông Phùng, ngoài giải quyết vụ việc cụ thể, Tổ Hòa giải ấp Hàng Gòn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở

Theo Phòng Tư pháp thành phố Long Khánh, toàn thành phố hiện có 58 tổ hòa giải với 387 hòa giải viên. Trong năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã hòa giải thành công 56/65 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 91%.

Trong năm 2024, thành phố Long Khánh tập trung củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng công tác hòa giải nhằm giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, triển khai, xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở; phát huy, huy động đội ngũ luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ, công chức, người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

An Nhơn

Tin xem nhiều