Từ đầu năm đến nay, nhất là giai đoạn đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn dông lốc, mưa to ngập nước gây thiệt hại về tài sản, trong đó có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, nhất là giai đoạn đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn dông lốc, mưa to ngập nước gây thiệt hại về tài sản, trong đó có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Giao mùa, xảy ra tình trạng cá chết tại nhiều bè cá của các hộ dân ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” diễn ra vào tháng 5, Đồng Nai rất chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Vì mỗi hành động sớm trong ứng phó trước thiên tai có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu thiệt hại.
* Thiệt hại cho sản xuất
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa to, dông lốc đầu mùa gây thiệt hại về tài sản cho người dân.
Cụ thể, ngày 4-4, trên địa bàn H.Định Quán xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy làm 1 căn nhà bị tốc mái, gãy đổ cây xanh. Ngày 24-4, mưa to kèm dông lốc làm 1 người bị thương; 1 nhà xưởng bị hư hỏng đổ sập; 7 căn nhà và 2 dãy nhà trọ bị tốc mái tôn; 8 trụ điện, 1 trạm thu phát sóng BTS đã bị gãy đổ; 57,5ha diện tích cây ăn trái gãy nhánh, rụng trái.
Ảnh hưởng của thiên tai trong năm 2022 khiến toàn tỉnh có 45 căn nhà và 2 phòng học bị tốc mái, 2.095 căn nhà bị ngập, 55ha lúa bị gãy đổ, 51ha nuôi thủy sản bị ngập… thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. |
Gần đây nhất, vào ngày 4-6, mưa lớn gây sạt lở bờ của đập Long An (H.Long Thành) làm ngập lụt cục bộ và ách tắc giao thông khu vực đập Long An. Tại TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) bị ngập cục bộ các tuyến đường; sập đổ khoảng 50m tường rào của một doanh nghiệp…
Ngoài ra, nông dân còn bị thiệt hại nhiều trong sản xuất chưa được thống kê hết.
Ồng Tăng Nỉ Cỏn (nông dân ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) chia sẻ, những cơn mưa lớn đầu tháng 6 khiến vườn cây ăn trái của gia đình ông bị ngập gần 1m nước, kéo dài hơn 2 giờ mới rút. Nguyên nhân do mưa to, con suối tại ấp 1, xã Bình Lộc dâng cao gây ngập cục bộ một số nhà vườn gần khu vực suối. Theo ông Cỏn, tình trạng ngập nước xảy ra từ năm ngoái, gia đình ông đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng làm đập ngăn nước dọc bờ suối để bảo vệ vườn cây. Nhưng cơn mưa lớn vừa qua đã tạo ra lũ cuốn phăng đập ngăn nước do ông đầu tư, gây thiệt hại hơn 2ha bưởi, măng cụt, chôm chôm.
Hoạt động nuôi cá bè trên sông tại TP.Biên Hòa và hồ Trị An thường bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giao mùa. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, hiện tượng cá chết rải rác tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) trong tháng 5-2023, chủ yếu do hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp dưới ngưỡng cho phép, thời tiết giao mùa môi trường hay có những biến động bất thường.
* Cần chủ động ứng phó
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, thời kỳ chuyển mùa mưa năm 2023, mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, mưa đá xuất hiện nhiều với cường độ mạnh. Bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 6. Mùa mưa, lượng nước ở các sông, suối nhỏ sẽ tăng dần, cao hơn trung bình nhiều năm khiến những đợt mưa lớn có thể gây ra ngập cục bộ, sạt lở bờ sông, suối.
Vườn cây ăn trái lâu năm của ông Tăng Nỉ Cỏn tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh bị suy kiệt do ngập nước |
Ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và chủ động, tích cực tham gia phòng, chống rất được chú trọng.
Để hạn chế nguy cơ rủi ro cá chết trong giai đoạn giao mùa năm 2023, UBND H.Định Quán phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà di dời đến các vùng nuôi theo quy hoạch. Nhiều hộ nuôi cá bè, cá đến lứa đã chủ động thu hoạch sớm, những hộ còn nuôi thì chủ động di dời bè nuôi đến khu vực an toàn trên hồ Trị An. Nhờ đó, giai đoạn giao mùa, khu vực nuôi cá bè trên địa bàn H.Định Quán đã tránh được rủi ro cá chết.
Vườn cây ăn trái của hộ dân tại xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất bị thiệt hại do mưa lũ |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai tuy không xảy ra nhiều thiên tai so với các tỉnh, thành khác trong cả nước nhưng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn. Do đó, các địa phương cần chủ động triển khai công tác phòng ngừa để hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, một số địa phương hay xảy ra mưa lũ, ngập lụt cần chủ động xây dựng phương án, giải pháp phù hợp để hạn chế thiệt hại cho người dân.
Bình Nguyên