Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm cách giải phóng hàng tồn kho

08:06, 26/06/2023

Hàng tồn kho tăng, sức tiêu thụ chậm buộc doanh nghiệp tập trung cho khâu bán hàng, coi đây là bài toán trọng tâm nhưng cũng rất khó khăn.

Sức tiêu thụ chậm là tình hình chung không chỉ riêng địa phương nào, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hàng tồn kho tăng, sức tiêu thụ chậm buộc doanh nghiệp (DN) tập trung cho khâu bán hàng, coi đây là bài toán trọng tâm nhưng cũng rất khó khăn.

Sản xuất các chi tiết nhựa kỹ thuật tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.GIA
Sản xuất các chi tiết nhựa kỹ thuật tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.GIA

Chờ đợi thị trường phục hồi và mong muốn các chính sách hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực thuế được thực thi sớm đang là mối quan tâm của DN hiện nay.

* Sức tiêu thụ chậm

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sự sụt giảm mạnh nhất là những ngành hàng thủy sản, dệt may, da giày, gỗ xuất khẩu sang các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU... Các ngành hàng khác như gạo, rau củ, cao su, hạt điều... sang châu Á ít chịu tác động hơn. Đặc biệt, một số ngành hàng đang phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, nhựa. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, gây khó khăn về thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Tại TP.HCM, chỉ số tiêu thụ trong 5 tháng qua vẫn giảm 4,9%, chỉ số tồn kho tăng 11,6% và chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ, trong đó có 13/30 ngành công nghiệp cấp 2 giảm mức tiêu thụ.

Tương tự, tại Đồng Nai, 5 tháng đầu năm, sức tiêu thụ giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến tiêu thụ hàng hóa giảm là do thị trường trong nước, xuất khẩu đều khó khăn. Điều này cũng kéo theo chỉ số tồn kho trong toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5-2023 tăng 5% so với tháng trước đó.

Thị trường xuất khẩu suy giảm nhưng DN vẫn cố gắng duy trì sản xuất theo các đơn hàng cũ, để chờ khi có đơn đặt hàng mới sẽ xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động cũng góp phần làm cho hàng tồn kho khá lớn. Đối với các DN, việc bán hàng và tìm kiếm đơn hàng hiện nay là rất quan trọng.

Tại Đồng Nai, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước là chế biến thực phẩm tăng 56,5%; dệt tăng 7,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng gần 20%; sản xuất sản phẩm giấy tăng 12%; sản xuất sản phẩm hóa chất hơn 4%...

Theo ông Trần Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Động Lực (TP.Biên Hòa), DN chuyên chế tạo các loại băng tải, gia công, sản xuất cơ khí thì từ đầu năm đến nay, sản phẩm xuất đi chậm nên ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Hiện công ty đang rất nỗ lực để giữ chân những khách hàng cũ, điều tiết lại sản xuất cho phù hợp tình hình thực tiễn.

* Chờ đợi sự hồi phục từ thị trường

Theo các DN, mối bận tâm lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí duy trì hoạt động và giải quyết hàng tồn kho. Tức là vẫn luôn phải có nguồn tiền trong sản xuất và giữ được các đơn hàng nhưng hiện đang ngày một khó khăn hơn. Sau thời gian dài, nguồn lực của DN đang giảm nhanh. Để tồn tại, họ buộc phải cơ cấu lại các mặt hàng, tìm hiểu thị trường, sức mua, nhu cầu thực tế của thị trường.

“Công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với các sản phẩm nước uống chế biến từ hoa quả, trái cây. Thời điểm này mọi năm, DN đã có thể chuẩn bị cho các đơn hàng vào dịp cuối năm nhưng năm nay tình hình rất trầm lắng. Do đó, các DN rất mong sức tiêu thụ của thị trường sớm được hồi phục” - chủ một DN ở TP.Biên Hòa chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN (VJCC), dòng tiền trong kinh doanh là rất quan trọng đối với các DN. Chọn đúng khách hàng và đối tác, tối ưu quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền, dự báo tình hình để có các giải pháp kịp thời là những nguyên tắc mà DN phải nắm rõ trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh nỗ lực hàng ngày, các DN rất mong thị trường sớm hồi phục để sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ DN cũng phải đi vào thực chất, cụ thể, dễ thụ hưởng. Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM, trong năm ngoái, dù tình hình khó khăn, ngân sách nhà nước vẫn có sự tăng thu ấn tượng. Điều này thể hiện các DN thực hiện rất tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, phần hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN chậm, khiến DN giảm nguồn vốn bổ sung cho sản xuất, kinh doanh.

Văn Gia

Tin xem nhiều