Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong 4 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Các địa phương của Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiến tới làm NNHC.
Vùng tiêu đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của tỉnh Đồng Nai tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: B.NGUYÊN |
Đồng Nai đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển NNHC, từ đó nhân rộng mô hình này cho các HTX, nông dân.
* Nhiệm vụ đột phá
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 3 mô hình sản xuất nông nghiệp với 7ha đạt chứng nhận hữu cơ, hoàn thành 37,5% kế hoạch đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 3 mô hình với hơn 22ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,5 ngàn ha cây trồng và gần 24 ngàn vật nuôi. Từng địa phương xác định phát triển NNHC là điểm đột phá, đổi mới cơ cấu lại nền nông nghiệp thời gian tới.
Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất Trần Thanh Tùng cho hay, địa phương đã lập quy hoạch được 9 vùng sản xuất NNHC với diện tích gần 71ha. Về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đã triển khai thực hiện 14 mô hình với 67 điểm trình diễn. Trong đó, 1 mô hình trồng bưởi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; mô hình làm du lịch sinh thái gắn với sản xuất hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3 đang đề xuất cấp giấy chứng nhận. 2 mô hình trên đều được Hiệp hội NNHC Việt Nam tặng bằng khen.
Ngoài ra, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học (IMO) được thực nghiệm và chuyển giao cho hơn 250 hộ nhằm giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình canh tác. Người dân tự ủ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; sử dụng các sản phẩm như: sả, gừng, ớt… làm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống 20%.
Ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu nhấn mạnh, huyện chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, sản xuất theo hướng hữu cơ được nông dân, HTX tích cực hưởng ứng.
* Thu hút DN đầu tư
Để nông sản đạt chuẩn hữu cơ, cần rất nhiều sự đầu tư cả về tri thức lẫn nguồn vốn nên đây vẫn là “cánh cửa hẹp”. Ngay cả những nước phát triển, sản phẩm hữu cơ vẫn là dòng sản phẩm cao cấp khá kén khách mua. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Sản xuất hữu cơ được DN, HTX, nông dân quan tâm đầu tư. Trong đó, Đồng Nai thu hút được nhiều DN đầu tư NNHC, trở thành đầu tàu xây dựng, nhân rộng quy mô sản xuất hữu cơ.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) Trần Quang Tính cho hay, DN đầu tư trang trại trồng trái cây, rau quả trong nhà màng đã theo quy trình sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm của trang trại đưa đi kiểm nghiệm và đều đạt. Tuy quy trình sản xuất của DN đã đạt những điều kiện khắt khe như: đất, nước, phân bón, môi trường... đều sạch, nhưng để đạt chứng nhận sản phẩm không dễ. DN đang triển khai các bước để sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ vì có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu rau, trái hữu cơ.
Bà Hồ Thị Phùng Hân đang đầu tư mô hình trang trại sản xuất hữu cơ gắn với du lịch sinh thái tại H.Long Thành chia sẻ, hiện 2 DN do bà đại diện là Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ sản xuất Long Minh Hân và Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ cao Donasa Farm đang đầu tư các trang trại sản xuất quy mô khoảng 30ha trồng các loại cây ăn trái đặc sản, các loại rau, quả. Từ những ngày đầu, DN đều thực hiện theo quy trình sản xuất hưu cơ nên sản phẩm đạt chất lượng cung cấp vào các hệ thống siêu thị lớn. DN đang làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm để xuất khẩu.
Sau hơn 1 năm UBND tỉnh và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với các sản phẩm vật nuôi, cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, DN này đã hợp tác với một số địa phương của tỉnh triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, để sản xuất hữu cơ bền vững cần phải giải bài toán khó về câu chuyện đầu ra. Chính vì vậy, DN đã tập huấn về kỹ thuật sản xuất hữu cơ, kiến thức về giá thành, về bán hàng cho nông dân. Vì khi nông dân hiểu thương trường thì họ mới trân trọng khách hàng. Từ đó, nông dân mới thay đổi nhận thức để thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ và dần xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng, tìm được thị trường tiêu thụ cho nông sản hữu cơ.
Theo Sở NN-PTNT, qua khảo sát toàn tỉnh có 99 vùng có đủ điều kiện để phát triển NNHC với diện tích trên 3,1 ngàn ha. |
Bình Nguyên