Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao mùa, cần chủ động ứng phó rủi ro cá bè chết

08:04, 22/04/2023

Hiện mực nước hồ Trị An, sông La Ngà, sông Đồng Nai… xuống thấp khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá lồng bè. Thời điểm giao mùa, nguy cơ cao các khu vực nuôi cá lồng bè tại TP.Biên Hòa, H.Định Quán xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Hiện mực nước hồ Trị An, sông La Ngà, sông Đồng Nai… xuống thấp khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá lồng bè. Thời điểm giao mùa, nguy cơ cao các khu vực nuôi cá lồng bè tại TP.Biên Hòa, H.Định Quán xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Các hộ nuôi cá bè tại khu vực cầu La Ngà, H.Định Quán cam kết không thả lứa cá giống mới trong giai đoạn chuyển mùa để hạn chế rủi ro cá chết. Ảnh: B.Nguyên
Các hộ nuôi cá bè tại khu vực cầu La Ngà, H.Định Quán cam kết không thả lứa cá giống mới trong giai đoạn chuyển mùa để hạn chế rủi ro cá chết. Ảnh: B.Nguyên

UBND H.Định Quán phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà đi dời đến các vùng nuôi an toàn theo quy hoạch trên hồ Trị An. Người nuôi cá bè tại TP.Biên Hòa cũng chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó.

* Rủi ro giao mùa

Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai, hiện tại mực nước hồ Trị An là 51,2m. Đây là giai đoạn mực nước xuống thấp, rất dễ gây cá bè chết hàng loạt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá bè nuôi gần khu vực cầu La Ngà (H.Định Quán), sông Đồng Nai
(TP.Biên Hòa) hay chết vào thời điểm giao mùa là do xuất hiện mưa lớn, nước mưa đã kéo rác thải hữu cơ từ thượng nguồn đổ xuống sông khu vực nuôi cá bè làm thay đổi môi trường đột ngột khiến hàm lượng oxy hòa tan thấp, cá chết. Cụ thể, năm 2019, nguyên nhân khiến cả ngàn tấn cá bè nuôi trên sông La Ngà chết hàng loạt vào giữa tháng 5 là do mực nước tại sông La Ngà xuống thấp làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi, nước sông bị ô nhiễm hữu cơ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, hiện vào thời điểm giao mùa nên nguy cơ cao các khu vực nuôi cá lồng bè tại TP.Biên Hòa, H.Định Quán. Các địa phương và sở, ngành liên quan cần chủ động xây dựng giải pháp ứng phó, tuyên truyền để người nuôi cá bè di dời khỏi khu vực nguy cơ để tránh thiệt hại.

Trong đó có nguyên nhân người nuôi thả cá với mật độ dày, sử dụng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn tự chế biến, gây ra ô nhiễm môi trường nước. Đây cũng là nguyên nhân nhiều lần xảy ra tình trạng cá nuôi bè trên sông Đồng Nai tại TP.Biên Hòa chết hàng loạt trong giai đoạn giao mùa những năm trước đó.

Từ năm 2020, tỉnh đã triển khai đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An với mục tiêu di dời các bè nuôi cá trên hồ Trị An vào các vùng quy hoạch. Mục đích để phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả mặt nước hồ, giữ sinh kế cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa.

* Chủ động hạn chế rủi ro

Để hạn chế nguy cơ rủi ro cá chết trong giai đoạn giao mùa, UBND H.Định Quán phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà đi dời đến các vùng nuôi theo quy hoạch.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài, hiện đa số hộ nuôi cá bè ở khu vực cầu La Ngà đã di dời bè nuôi đến khu vực an toàn trên hồ Trị An. Nhiều hộ nuôi cá bè, cá đến lứa cũng chủ động thu hoạch và bán cho thương lái sớm hơn thời điểm mọi năm để tránh rủi ro cá chết trong giai đoạn giao mùa. Hiện khu vực này chỉ còn các hộ dân sống trên bè làm nghề đánh bắt thủy sản. Các hộ cũng đã ký cam kết không thả lứa cá giống mới trong thời điểm hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Hậu, người nuôi cá bè trên sông La Ngà (H.Định Quán) chia sẻ, từ khi di dời đến vùng nuôi mới, bè cá của ông không xảy ra hiện tượng cá chết. Môi trường nước ở khu vực mới cũng tốt hơn nên cá sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh. Ngay cả giai đoạn giao mùa hiện nay, cá nuôi trong bè vẫn phát triển tốt.

Hoạt động nuôi cá bè trên sông Đồng Nai tại TP.Biên Hòa thời điểm này cũng khá ổn định. Ông Tống Văn Sỹ, chủ bè nuôi cá ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện cá nuôi tại các bè vẫn sinh trưởng tốt. Để phòng trừ rủi ro, các chủ bè đều chủ động chuẩn bị máy sục oxy để tăng lượng oxy trong nước phòng khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, các chủ bè cá cũng chủ động san thưa mật độ cá nuôi trong bè để hạn chế rủi ro.

Để chủ động ứng phó khi thời tiết vào mùa mưa bão, giúp ổn định và duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản trong bè, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai khuyến cáo, các cơ sở nuôi cá bè phải đảm bảo mật độ lồng bè nuôi phù hợp, tìm cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Các bè nuôi nên thả nuôi thủy sản với mật độ vừa phải để tăng sức chống chịu với biến động của thời tiết. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là lúc sáng sớm, chiều tối phát hiện những biểu hiện bất thường kịp thời xử lý. Ngoài ra, người nuôi cần vệ sinh lưới, lồng nuôi để đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi khi xảy ra mưa to, dông lốc, lũ. Các hộ nuôi nên thu hoạch thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa lũ, không thả giống trước, trong những tháng cao điểm mùa mưa bão.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều