Ghi nhận thực tế từ các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cho thấy, dù ngành Du lịch đã được mở cửa hoàn toàn nhưng lượng khách và doanh thu du lịch vẫn chưa tạo được con số ấn tượng như kỳ vọng.
Ghi nhận thực tế từ các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cho thấy, dù ngành Du lịch đã được mở cửa hoàn toàn nhưng lượng khách và doanh thu du lịch vẫn chưa tạo được con số ấn tượng như kỳ vọng.
Khu du lịch Bửu Long với chính sách giá hợp lý nhằm kích cầu du khách đến tham quan. Ảnh: N.Liên |
Xu hướng du lịch cũng như nhu cầu chi tiêu trong du lịch đã có sự thay đổi theo hướng giảm chi tiêu, đòi hỏi doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần có sự thích nghi kịp thời.
* Sức mua sắm giảm
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực du lịch, khách du lịch dịp đầu năm chủ yếu là đi lễ, tham quan trong ngày. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, mua sắm tại các khu, điểm du lịch có phần giảm do ảnh hưởng của tình hình khó khăn chung.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ một cửa hàng đồ lưu niệm tại Khu du lịch (KDL) núi Chứa Chan cho biết, KDL núi Chứa Chan là điểm thu hút khách hành hương lễ chùa vào mỗi dịp đầu năm mới rất đông, khách hành hương thường mua sắm các vật dụng lưu niệm, đặc sản núi Chứa Chan là chuối sấy. Năm nay, lượng khách đi vẫn đông nhưng lượng khách mua đặc sản, đồ lưu niệm giảm so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Năm 2023, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ đón 2,7 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đồng Nai, tăng gần 23% so với năm 2022. Trong đó, khách nội địa khoảng 2,6 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 80 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1,7 ngàn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2022. |
Bà Phương chia sẻ: “Lượng khách mua giảm nên tôi chỉ lấy hàng để bán cầm chừng, vì năm nay tình hình khó khăn chung, lấy hàng nhiều lỡ không bán được sẽ bị ngâm vốn, trong khi núi Chứa Chan chỉ đông khách trong tháng Giêng, những ngày khác khách đi thưa hơn sẽ càng khó bán”.
Là người rất thích mua sắm những vật dụng lưu niệm mỗi khi đi du lịch, thế nhưng năm nay, chị Trần Nguyễn Gia Ân (TP.Biên Hòa) cắt giảm khoản chi này do kinh tế gia đình năm nay không bằng những năm trước. Chị Ân cho biết, năm nay do tình hình kinh tế khó khăn chung nên chị Ân phải tính toán lại mức chi tiêu, giảm tối đa những món chi không cần thiết để tài chính gia đình không bị “hụt” khi cần chi vào những khoản khác.
“Mọi năm, gia đình tôi hay đi du lịch nước ngoài hoặc du Xuân ở các tỉnh miền Bắc với chi phí khá cao. Năm nay làm ăn không thuận lợi, bản thân tôi cũng ngại đi xa, ảnh hưởng đến công việc làm ăn nên gia đình tôi chọn những điểm gần, đi về trong ngày để giảm bớt các chi phí cho việc ăn, ngủ cũng như hạn chế mua sắm trong dịp Tết, trong các chuyến du lịch” - chị Ân nói.
* Cần những chính sách quảng bá, kích cầu du lịch
Cùng với sự phấn đấu phục hồi ngành Du lịch của cả nước, du lịch Đồng Nai đã có sự thay đổi đáng kể sau đại dịch. Một số DN du lịch có thêm sản phẩm du lịch mới như: du lịch trekking khám phá rừng, hồ, làng quê; nhiều mô hình du lịch cắm trại (camping) tại các khu vực ven hồ, sông phát triển khá mạnh, trong đó có các khu camping được đầu tư kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn 5 sao; du lịch tàu hỏa kết nối với tỉnh Bình Dương và TP.HCM… Một số điểm đến du lịch không tăng giá, thậm chí còn điều chỉnh giá hợp lý để khách du lịch ở mọi đối tượng đều có thể đến tham gia, vui chơi.
Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Bửu Long, đơn vị quản lý, vận hành KDL Bửu Long cho biết, trong suốt thời gian Tết Nguyên đán đến nay, KDL Bửu Long áp dụng dịch vụ vé trọn gói vào cổng với giá 150 ngàn đồng/lượt đối với người lớn và 60 ngàn đồng/lượt đối với trẻ em. Mỗi vé được tặng kèm 1 chai nước suối.
Nói thêm về combo này, ông Ninh cho rằng, nhận thấy nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên Ban lãnh đạo công ty đã thống nhất điều chỉnh vé tham quan trọn gói với giá vừa phải nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch tiết kiệm chi phí khi tham quan KDL Bửu Long. Cụ thể, với giá vé trọn gói như đã nêu, du khách có thể tham quan và vui chơi hơn 60 hạng mục trò chơi trong KDL như: Câu cá thiếu nhi, tàu lượn siêu tốc, xe lửa nữ hoàng, chiếu phim 7D, 12D... Đây là chính sách vừa chia sẻ khó khăn chung, vừa là giải pháp kích cầu du khách đến với KDL Bửu Long.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tăng lượng khách và doanh thu cho ngành Du lịch, Sở VH-TTDL xác định mục tiêu trong năm 2023 của sở là tiếp tục các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Liên kết, hợp tác với các địa phương trong phát triển du lịch.
Ngọc Liên