Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuần hoàn chất thải: Vẫn nhiều thách thức

08:01, 09/01/2023

Tuần hoàn chất thải (THCT) là kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng. Việc này vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường.

Tuần hoàn chất thải (THCT) là kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng. Việc này vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bên phải) xem sản phẩm phân bón hữu cơ được tái chế từ chất thải sinh hoạt. Ảnh: L.An
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bên phải) xem sản phẩm phân bón hữu cơ được tái chế từ chất thải sinh hoạt. Ảnh: L.An

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở sản xuất, đơn vị xử lý chất thải thực hiện THCT bởi sự chồng chéo giữa các luật, thay đổi mô hình quản lý và công nghệ sản xuất không dễ, đầu ra của sản phẩm tuần hoàn…

* Còn nhiều thách thức

Chính phủ đã có những chính sách quy định trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và khuyến khích đối với những đơn vị xử lý chất thải tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những quy định THCT còn nhiều rào cản.

Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch), đã quan tâm đầu tư nhiều máy móc, công nghệ nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm sử dụng nước trong các công đoạn sản xuất, tạo sản phẩm thân thiện với môi trường. Công ty đã kiến nghị mô hình đồng xử lý chất thải trong nội bộ nhà máy nhưng chưa được giải quyết.

“Luật khuyến khích doanh nghiệp (DN) tái chế chất thải nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn chưa rõ ràng, rất khó áp dụng. Một lần nữa DN kiến nghị cho áp dụng mô hình đồng xử lý chất thải nguy hại trong nội bộ nhà máy để giảm phát sinh chất thải ra môi trường” - đại diện Công ty Hyosung Đồng Nai chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Luân, Trưởng đại diện Tập đoàn Cargill tại Việt Nam, hơn 20 cơ sở kinh doanh, sản xuất trên toàn quốc đang thực hiện thu gom, phân loại 100% rác thải thông thường và rác thải công nghiệp để tái chế, tất cả nước thải cũng thu gom và xử lý. Bên cạnh đó là áp dụng các biện pháp đo lường để tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng nhựa trong bao bì sản phẩm... vì là thành viên của Cargill với cam kết giúp thế giới phát triển thịnh vượng. Ông Luân cho rằng, để nhiều DN thực hiện THCT cần có pháp luật rõ ràng, cụ thể đi kèm với đó là cơ chế, chẳng hạn như giảm thuế, phí cho sản phẩm.

Theo Hiệp hội DN châu Âu tại TP.HCM, hiện nay sản xuất xanh và đầu tư xanh không chỉ là khuyến khích mà thực sự là yêu cầu tất yếu đối với các DN châu Âu nhằm thực hiện các cam kết tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Nhiều nhà máy muốn chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nhưng vướng giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy không thể lắp đặt, hòa lưới điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia để sử dụng.

Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, Nhà nước có cơ chế khuyến khích tái chế, quảng bá sản phẩm nhưng thực tế các chính sách này chưa đến được DN. Công ty nghiên cứu làm gạch từ bùn thải công nghiệp không nguy hại, đồ gia dụng từ rác thải nhựa nhưng sản phẩm đem cho, tặng là chính.

* Bài toán cho phát triển bền vững

Trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, THCT là mô hình nhiều quốc gia đã áp dụng. Tại Việt Nam, mô hình này được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 

Tại Diễn đàn kinh tế xanh 2022, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) cho rằng, THCT là dựa vào lợi ích kinh tế để kéo dài vòng đời sản phẩm. Mô hình này đem lại nhiều lợi ích nhưng chưa thực sự phổ biến.

Nguyên nhân theo ông Chinh là do nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ, chưa chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn; nội dung kinh tế tuần hoàn mới chính thức đề cập ở Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong khi các luật khác đã ban hành trước dẫn đến bất cập, chồng chéo; việc chuyển đổi mô hình quản lý, công nghệ sản xuất hiện hữu rất khó. 

Trao đổi tại hội nghị giao ban các DN trong khu công nghiệp 6 tháng cuối năm 2022, Phó trưởng phòng TN-MT, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Thành Trung cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều quy định, khái niệm mới. Các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật cũng vậy, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện. Hiện tại, Bộ TN-MT, cơ quan quản lý ở địa phương đã thấy các điểm bất cập. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của DN, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ tổng hợp, kiến nghị Bộ TN-MT.  

THCT là một trong những tiêu chí giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. Mô hình này sẽ giúp cơ sở sản xuất tiết kiệm được chi phí nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Sản phẩm, nhà máy có áp dụng mô hình THCT cũng thuận lợi đăng ký các chứng nhận, chứng chỉ để hội nhập quốc tế. Còn DN hoạt động trong lĩnh vực chất thải sẽ hạn chế tối đa chất thải đưa ra môi trường gây ô nhiễm, biến chất thải trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất khác.

Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả cần khắc phục bất cập giữa các luật; có cơ chế miễn, giảm thuế, phí khi DN chuyển đổi mô hình quản lý, đồng thời hỗ trợ truyền thông sản phẩm tuần hoàn.

THCT được hiểu là tái sử dụng sản phẩm thông qua sửa chữa, tân trang, tái chế… nhằm kéo dài tuổi thọ, giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường.

Lê An

Tin xem nhiều