Để tháo gỡ các khó khăn trong kết nối vùng giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, qua khảo sát thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thống nhất bổ sung 4 vị trí để xây dựng các cầu đường bộ kết nối 2 địa phương.
Để tháo gỡ các khó khăn trong kết nối vùng giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, qua khảo sát thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thống nhất bổ sung 4 vị trí để xây dựng các cầu đường bộ kết nối 2 địa phương.
Cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch kết nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Ảnh: P.Tùng |
* Kết nối giao thông còn hạn chế
Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Ngoài một phần ranh giới tiếp giáp trực tiếp trên đất liền, 2 tỉnh cũng bị chia cắt bởi sông Đồng Nai, sông Bé. Chính vì vậy, nhiều năm qua, 2 địa phương cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng hệ thống các cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai để tăng kết nối giao thông.
Trước đây, việc lưu thông qua lại chủ yếu bằng cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (quốc lộ 1K). Đến tháng 5-2010, cầu Thủ Biên, cây cầu kết nối giữa TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chính thức được khánh thành và thông xe. Cầu Thủ Biên là công trình do 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai làm chủ đầu tư với chiều dài 511m, rộng 17m, tổng kinh phí đầu tư hơn 162 tỷ đồng.
Cầu Thủ Biên là công trình giao thông trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng. Đồng thời, đây cũng là một trong số các cây cầu được xây dựng trên tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM kết nối các tỉnh vùng Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TX.Tân Uyên và H.Vĩnh Cửu.
Sau cầu Thủ Biên, mãi đến hơn 1 thập kỷ sau mới có thêm 1 dự án xây dựng cầu đường bộ kết nối giao thông được Đồng Nai và Bình Dương phối hợp triển khai. Ngày 27-12-2021, cầu Bạch Đằng 2, do 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phối hợp đầu tư cũng đã chính thức được khởi công xây dựng. Cầu được xây dựng tại xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu).
Theo UBND tỉnh Bình Dương, Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên đường vành đai 4 – TP.HCM. Tuy nhiên, do vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng.
Chính vì vậy, việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền TX.Tân Uyên, và H.Vĩnh Cửu sẽ tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía TX.Tân Uyên, H.Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
* Bổ sung 4 vị trí xây cầu vượt sông
Dù là địa bàn giáp ranh, đến nay, kết nối giao thông mang tính liên kết vùng giữa Đồng Nai và Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, vào ngày 27-7, lãnh đạo 2 địa phương cũng đã có buổi làm việc về tiến độ thực hiện các dự án kết nối giao thông giữa 2 tỉnh.
Tại buổi làm việc, ngoài các dự án đã và đang được triển khai, tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Đồng Nai thống nhất cập nhật quy hoạch cầu Hiếu Liêm vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và thống nhất chủ trương đầu tư kết nối giữa H.Bắc Tân Uyên và H.Vĩnh Cửu.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, khu vực này cần xây dựng cầu kết nối giữa 2 địa phương và giao Sở GT-VT 2 tỉnh nghiên cứu kỹ phương án, vị trí xây dựng và sớm báo cáo kết quả cho lãnh đạo 2 tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng thống nhất bổ sung quy hoạch cầu Thạnh Hội 2 theo đề xuất của Bình Dương. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở GT-VT 2 tỉnh nghiên cứu thêm một cây cầu kết nối qua sông Đồng Nai, đoạn giữa cầu Hiếu Liêm và đường vành đai 4.
Mới đây, Sở GT-VT đã chủ trì buổi khảo sát thực tế để thống nhất vị trí, quy mô các vị trí kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua khảo sát thực tế, để tăng cường kết nối giao thông giữa Đồng Nai và Bình Dương, các đơn vị thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2.
Theo Sở GT-VT, hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng, trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm bắc qua sông Đồng Nai nối xã Trị An với xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu. Do đó, các ngành thống nhất bổ sung 1 vị trí để xây cầu Hiếu Liêm 2 bắc qua sông Bé kết nối xã Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên với xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu.
Trong khi đó, vị trí xây dựng cầu Tân An - Lạc An bắc qua sông Đồng Nai kết nối xã Lạc An, H.Bắc Tân Uyên với xã Tân An, H.Vĩnh Cửu sẽ có các điểm kết nối tại vị trí đường Trịnh Huy Chương (H.Vĩnh Cửu) với tuyến đường mở mới đến đường tỉnh 746.
Với cầu Tân Hiền - Thường Tân bắc qua sông Đồng Nai sẽ kết nối tại vị trí hương lộ 6 (bến phà Bà Miêu 2) với đường mở mới đến đường tỉnh 746 để kết nối xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu với xã Thường Tân, H.Bắc Tân Uyên.
Cầu đường bộ cuối cùng được đề xuất bổ sung là cầu Thạnh Hội 2, có vị trí kết nối tại bến phà Bình Hòa (tỉnh Đồng Nai) và bến phà Nhật Thạnh (tỉnh Bình Dương). Đây là cầu đường bộ sẽ kết nối cù lao Thạnh Hội, TX.Tân Uyên với xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu.
Dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng 2 và đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km, trong đó, cầu dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe. Dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023. Tổng mức đầu tư dự án hơn 420 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn. |
Phạm Tùng