Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế Đồng Nai: Về đích ngoạn mục

07:12, 06/12/2022

Năm 2022, kinh tế Đồng Nai bị rơi vào guồng xoáy khó khăn chung từ nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua để về đích với nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Năm 2022, kinh tế Đồng Nai bị rơi vào guồng xoáy khó khăn chung từ nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua để về đích với nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Sản xuất các loại bánh cung cấp cho thị trường trong nước xuất khẩu tại Công ty TNHH Koikeya Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: K.Minh
Sản xuất các loại bánh cung cấp cho thị trường trong nước xuất khẩu tại Công ty TNHH Koikeya Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: K.Minh

Còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2022, nhưng 5 chỉ tiêu kinh tế chính của Đồng Nai đều đã vượt kế hoạch năm; trong đó có: GRDP, thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách địa phương.

* Vẫn trong nhóm địa phương dẫn đầu

Bên cạnh những khó khăn chung như các tỉnh, thành trên cả nước do giá nguyên vật liệu, xăng dầu, cước vận tải tăng cao, lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá, đơn hàng giảm thì Đồng Nai còn thêm những khó khăn riêng.

Cụ thể, các khu công nghiệp còn rất ít đất cho thuê, các dự án ngoài khu công nghiệp gặp khó khăn về thủ tục, đất đai, bồi thường. Tuy nhiên, kinh tế Đồng Nai vẫn đạt được những kết quả tích cực như: GRDP dự ước sẽ tăng 8,52% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.717 USD/người; kim ngạch xuất khẩu trên 24,6 tỷ USD, tăng hơn 13% và xuất siêu hơn 5,75 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước cả năm khả năng sẽ được gần 62,9 ngàn tỷ đồng, đạt 114% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 109 ngàn tỷ đồng, tăng gần 13%.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, trong 11 tháng của năm 2022, một số chỉ tiêu khác về kinh tế cũng có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 8,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 209,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 23%; lĩnh vực giao thông - vận tải đạt hơn 20,8 ngàn tỷ đồng, tăng 43%; gần 2,1 triệu lượt khách đã đến Đồng Nai tham quan và lưu trú, tăng 84% và đem lại doanh thu hơn 1,1 ngàn tỷ đồng...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá: “Tình hình kinh tế năm 2022 có nhiều biến động theo chiều hướng tiêu cực song những chỉ tiêu lớn về kinh tế Đồng Nai vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch. Đây là nỗ lực lớn của người dân, DN và chính quyền các cấp. Từ nay đến cuối năm, các địa phương, tỉnh tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để DN duy trì sản xuất. Tỉnh sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để giúp DN có thêm cơ hội hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, khó khăn có thể còn kéo dài đến đầu năm 2023, DN phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, phải cho lao động nghỉ việc luân phiên không lương. Do đó, nhiều người lao động sẽ không có việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Tỉnh giao Sở LĐ-TBXH tổng hợp số lượng DN, lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập để tham mưu hướng giải quyết hỗ trợ DN, người lao động vượt qua khó khăn.

* Tìm cơ hội để phát triển

Năm 2022, kinh tế Đồng Nai tuy về đích ngoạn mục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia tăng trưởng rất thấp hoặc tăng trưởng âm, nhưng nhiều rủi ro vẫn đang rình rập, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, DN phải luôn trong tư thế chủ động, có sẵn giải pháp, kịch bản để chống đỡ và vượt qua. Trên địa bàn tỉnh có nhiều DN vẫn tìm ra cơ hội từ trong thách thức nên vẫn mở rộng được sản xuất, kinh doanh.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Trần Quang cho biết: “Công ty hiện có 2 nhà máy chuyên sản xuất nến thơm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Khoảng 3 năm qua, nhiều ngành hàng gặp khó khăn trong tìm nguyên liệu đầu vào, đầu ra bị thu hẹp, nhưng Fleming vẫn hoạt động và tăng trưởng khá tốt, khoảng 20%/năm. Công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ ba để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Ông Quang chia sẻ thêm, nến không phải là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, suy giảm kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu nên để giữ sản xuất ổn định, doanh thu tăng cao vất vả hơn nhiều. Công ty đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu, xu hướng của thị trường để đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp, các sản phẩm thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Các DN trên lĩnh vực thực phẩm kịp thời nắm bắt nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng thời hậu Covid-19, đưa ra thị trường những dòng sản phẩm tăng cường sức khỏe. Do đó, được thị trường trong nước, nước ngoài đón nhận và đơn đặt hàng nhiều hơn.

Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) cho biết: “Vào dịp cuối năm, nhiều công ty bị giảm đơn hàng, nhưng Koyu & Unitek lại nhận được đơn hàng nhiều hơn dịp đầu năm từ thị trường Nhật Bản. Hiện công ty phải tăng công suất để đảm bảo số lượng hàng xuất cho đối tác đúng thời hạn”.

Năm 2022 có nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn về đích với tăng trưởng kinh tế khá cao, góp phần tăng trưởng chung của cả nước.

Khánh Minh

Tin xem nhiều