Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức

07:12, 17/12/2022

Thường càng về cuối năm thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) càng sôi động để phục vụ thị trường Tết và xuất khẩu, nhưng năm nay tình hình không có nhiều khởi sắc. Xuất khẩu khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, nhiều DN tạm ngừng sản xuất, thậm chí một số DN có chủ là người nước ngoài đã đóng cửa, bỏ trốn gây thêm áp lực cho nền kinh tế.

Thường càng về cuối năm thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) càng sôi động để phục vụ thị trường Tết và xuất khẩu, nhưng năm nay tình hình không có nhiều khởi sắc. Xuất khẩu khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, nhiều DN tạm ngừng sản xuất, thậm chí một số DN có chủ là người nước ngoài đã đóng cửa, bỏ trốn gây thêm áp lực cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải xoay xở, tìm mọi cách để bán hàng, trụ vững qua giai đoạn khó khăn
Doanh nghiệp phải xoay xở, tìm mọi cách để bán hàng, trụ vững qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: V.Gia

Dự báo của các chuyên gia, DN thì khó khăn vẫn có thể kéo dài, ít nhất là sang những tháng đầu năm 2023. Nhiều DN lo khó giữ được tình hình sản xuất, kinh doanh.

* Nhiều ngành hàng cùng bị ảnh hưởng

Khó khăn từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay vẫn khiến nhiều DN chưa phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN chưa thoát khỏi thua lỗ, nợ nần. Xuất khẩu về cuối năm càng bị giảm sút, đình trệ khiến cho tình hình thêm khó.

Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các DN trong ngành dệt may đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11-12 năm nay và quý I-2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%; đặc biệt, với DN làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Tương tự là mặt hàng gỗ. Hiện trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có hàng ngàn DN sản xuất, chế biến gỗ. Đơn hàng của nhiều DN đã sụt giảm tới 50% so với trước, kéo theo việc hàng loạt công ty giảm giờ làm, tạm ngưng hoạt động một phần hoặc sa thải bớt nhân viên...

Tại Đồng Nai, “sức khỏe” về dòng tiền của DN được phản ánh không chỉ ở các đơn vị đang hoạt động hiện hữu mà cả với việc thu hút DN thành lập mới. Tính từ đầu năm đến ngày 15-11, toàn tỉnh có hơn 3,8 ngàn DN thành lập mới, tăng 45,2% so với cùng kỳ nhưng số vốn đăng ký chỉ 29,3 ngàn tỷ đồng, tương ứng 60,1% của năm trước.

Trong khi đó, có 464 DN giải thể, tăng 56,4% và 561 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 54,1%, đồng thời có hơn 1,1 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 67%. Điều này phần nào cho thấy các DN, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa, kinh doanh kém hiệu quả, khiến họ đang thu hẹp lại mô hình sản xuất để chờ thời.

Khó khăn từ sản xuất dẫn đến nhu cầu về lao động giảm. Là người làm công tác tuyển dụng, hỗ trợ DN trong vấn đề nhân sự, chị Mai Kim Khánh, quản trị một fanpage chuyên về việc làm có hàng trăm ngàn người theo dõi chia sẻ, chưa bao giờ thời điểm cuối năm mà nhu cầu tuyển dụng lao động lại sụt giảm như năm nay. Việc tìm người rất ít và người lao động, nhất là những người trẻ, cũng không “nhảy” việc nhiều như những năm trước. Ưu tiên trước mắt của họ bây giờ là giữ được việc làm dù thu nhập có giảm sút để chờ cơ hội cho thời gian tới.

* Tác động bất lợi có nguy cơ kéo dài

Nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, DN ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với trước. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm, sắt thép, xi măng... Bên cạnh đó là các mặt hàng nông sản, thực phẩm… cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất.

Nguyên nhân của sụt giảm đơn hàng chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng như toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều DN bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Công ty CP Ong mật Đồng Nai là đơn vị xuất khẩu mật ong chủ lực của Đồng Nai. Phó giám đốc Công ty CP Ong mật Đồng Nai Phan Trọng Nhân cho hay, cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam hơn 400%. Sau đó, giảm xuống còn khoảng 60% nhưng cũng đã làm cho DN không cạnh tranh được với sản phẩm từ các nước khác.

Quyết định nói trên đã làm cho DN đứng trước sự tồn vong. Bình thường mỗi năm xuất khẩu của công ty từ 2,5-3 ngàn tấn mật ong nhưng từ nay đến cuối năm, hàng xuất khẩu của công ty chỉ hy vọng được khoảng 500 tấn. Trong khi đó, tới 80% hàng của DN là để phục vụ thị trường xuất khẩu. Những đơn vị ngành ong mật trên địa bàn tỉnh cũng đều lao đao. Theo ông Nhân, những khó khăn vẫn còn tiếp diễn và DN chưa tìm được giải pháp nào khả dĩ để khắc phục.

Đối với đơn vị lớn trong ngành cảng biển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn Huỳnh Văn Cường cũng nhận định tình hình dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Điều đó thể hiện qua việc các DN làm hàng xuất - nhập khẩu không còn sôi động như những tháng trước, việc xuất khẩu gặp khó khăn cũng kéo theo những đơn vị dịch vụ, hạ tầng cảng biển, logistics phải tìm cách khắc phục và có giải pháp hỗ trợ tốt hơn các đối tác của mình.

Văn Gia

Tin xem nhiều