Sắp tới, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030 sẽ phải điều chỉnh một số loại đất cho phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những loại đất phải điều chỉnh quy hoạch là đất lúa, đất rừng, đất công nghiệp, đất quốc phòng.
Sắp tới, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030 sẽ phải điều chỉnh một số loại đất cho phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những loại đất phải điều chỉnh quy hoạch là đất lúa, đất rừng, đất công nghiệp, đất quốc phòng.
Huyện Nhơn Trạch sẽ có nhiều điều chỉnh về đất đai. Ảnh: H.Giang |
Theo Sở TN-MT, Thủ tướng Chính phủ phân bổ đất quốc phòng cho Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 là 13.350ha, nhưng trong quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt là 14.128ha. Như vậy, quy hoạch đất quốc phòng của Đồng Nai cao hơn chỉ tiêu của Chính phủ là 778ha. Do đó, tỉnh phải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về chỉ tiêu đề xuất để làm cơ sở phân khai chỉ tiêu và tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định.
* Nhu cầu chuyển đổi đất lúa, đất rừng lớn
Về chỉ tiêu phân bổ quy hoạch SDĐ quốc gia giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh có hơn 186,9 ngàn ha đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Căn cứ vào diện tích từng loại đất đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch SDĐ cho phù hợp để thực hiện các công trình, dự án trong giai đoạn tới, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trong đó, đất lúa Đồng Nai được Chính phủ phân bổ hơn 17,5 ngàn ha; đất rừng phòng hộ hơn 30,24 ngàn ha; rừng đặc dụng hơn 114,1 ngàn ha; đất rừng sản xuất hơn 25,1 ngàn ha. Quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030 so với các chỉ tiêu trên đều thấp hơn, đất lúa thấp hơn gần 2,1 ngàn ha; đất rừng phòng hộ hơn 2,1 ngàn ha; đất rừng đặc dụng hơn 1,5 ngàn ha. Riêng đất rừng sản xuất quy hoạch cấp huyện lại cao hơn gần 3,7 ngàn ha.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết: “Diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh thấp hơn quy hoạch quốc gia là do tỉnh chưa kịp điều chỉnh diện tích đất rừng sản xuất cho phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh gần 3,7 ngàn ha đất rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nên về quy hoạch các loại rừng sẽ không có gì thay đổi”.
Liên quan đến đất lúa sẽ giảm nhiều so với phân bổ của Chính phủ, các địa phương lý giải là trong những năm tới, Đồng Nai sẽ triển khai rất nhiều dự án của trung ương, địa phương có sử dụng vào đất lúa nên buộc phải chuyển đổi. Do đó, đa số các huyện, thành phố đều đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ cho giữ nguyên đất lúa theo quy hoạch SDĐ cấp huyện. Địa phương giảm nhiều đất lúa là: Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom…
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho hay: “Trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn phải lấy vào đất lúa. Hiện hạ tầng giao thông của huyện đã được kết nối thuận lợi, chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ. Tới đây, nhiều diện tích đất lúa của huyện sẽ phải chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp để triển khai dự án. Vì thế, H.Nhơn Trạch không thể giữ lại nhiều đất lúa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đã được Chính phủ, tỉnh phê duyệt”.
* Quy hoạch nhiều đất công nghiệp
Quy hoạch SDĐ quốc gia đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 39 khu công nghiệp với diện tích hơn 18,54 ngàn ha đất công nghiệp (không tính Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Tuy nhiên, trong quy hoạch SDĐ cấp huyện đến năm 2030, toàn tỉnh có hơn 23,3 ngàn ha đất công nghiệp, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ phân bổ gần 4,8 ngàn ha. Theo ý kiến của các sở, ngành, địa phương thì UBND tỉnh nên đề xuất Chính phủ chấp thuận cho tăng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch cấp huyện, vì khi các tuyến đường cao tốc, sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ chia sẻ: “Quy hoạch về đất công nghiệp của tỉnh cao hơn chỉ tiêu phân bổ của Chính phủ là do các huyện, thành phố đều có nhu cầu mở rộng, mở mới nhiều khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh đang cùng với đơn vị tư vấn rà soát, tính toán lại phát triển công nghiệp từng địa phương lựa chọn phát triển các khu công nghiệp cho phù hợp, tránh quá tải về hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác”.
Thực tế, giai đoạn 2011-2020, một số chỉ tiêu về đất đai Đồng Nai đã thực hiện thấp hơn so với chỉ tiêu Chính phủ phân bổ như: chuyển đổi đất lúa, đất công nghiệp. Diện tích đất chuyển mục đích sử dụng đa số là để triển khai các dự án, các địa phương không tính toán kỹ đến năng lực triển khai các công trình, dự án rất khó hoàn thành quy hoạch SDĐ đã được Chính phủ phân bổ. Diện tích đất đã được quy hoạch không thực hiện được trong lộ trình sẽ trở thành quy hoạch “treo”.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhấn mạnh: “Một số địa phương đề xuất giữ nguyên đất công nghiệp theo quy hoạch SDĐ cấp huyện, như vậy sẽ cao hơn so với Chính phủ phân bổ gần 4,7 ngàn ha. Nếu các địa phương muốn giữ đất công nghiệp theo quy hoạch SDĐ cấp huyện phải có giải trình thuyết phục. Đồng thời, những địa phương quy hoạch dự án khu công nghiệp phải xem lại có thu hồi được đất không, số hộ bị thu hồi đất là bao nhiêu, có tiền để bồi thường không? Bởi các yếu tố trên rất quan trọng, nếu không biết rõ thì khi được chấp thuận triển khai dự án rất khó thực hiện. Nếu các địa phương giữ nguyên quy hoạch đất công nghiệp tăng gần 4,7 ngàn ha sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu các loại đất khác”.
Qua tìm hiểu, đến nay Đồng Nai có một số khu công nghiệp đã được phê duyệt mở rộng nhưng sau 5-15 năm chưa triển khai được do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Với những nơi quy hoạch khu công nghiệp thu hồi nhiều đất của các hộ dân rất khó triển khai.
Hương Giang