Hiện nay, các đô thị trên địa bàn Đồng Nai đều thiếu hạ tầng thoát nước, bao gồm cả nước mưa và nước thải sinh hoạt. Hệ quả là sau mỗi cơn mưa thì đường ngập, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, các đô thị trên địa bàn Đồng Nai đều thiếu hạ tầng thoát nước, bao gồm cả nước mưa và nước thải sinh hoạt. Hệ quả là sau mỗi cơn mưa thì đường ngập, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
Suối Săn Máu (TP.Biên Hòa) đã được nạo vét, làm kè đảm bảo tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường. Ảnh: B.Mai |
Việc đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải theo tiêu chí đô thị đang là thách thức với các địa phương vì nguồn vốn lớn, khó kêu gọi xã hội hóa và tiến độ triển khai chậm.
* Nan giải thoát nước
H.Trảng Bom đang trong quá trình phát triển đô thị loại IV để tiến tới thành lập thị xã. Qua đánh giá sơ bộ của địa phương, đến nay đã đạt 81/100 điểm đối với tiêu chí đô thị loại IV (điểm tối thiểu 75), đạt 49/59 tiêu chí thị xã. Đối với cấp xã, 100% đơn vị đạt các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo tiêu chí phường, nhưng 100% đơn vị không đạt tiêu chuẩn nước thải đô thị được thu gom xử lý theo quy định, mật độ đường cống thoát nước chính.
Theo ông Đỗ Ngọc Nam, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom, hạ tầng thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải là vấn đề nan giải. Để hỗ trợ H.Trảng Bom từng bước hoàn chỉnh hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại IV, năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định về việc triển khai thực hiện dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải H.Trảng Bom - giai đoạn ưu tiên, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 221 tỷ đồng. Hạng mục ưu tiên là xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt khu vực trung tâm TT.Trảng Bom; xây dựng trạm xử lý nước thải giai đoạn 2022-2025.
Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 29-10-2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu sẽ triển khai 22 dự án thuộc lĩnh vực cấp, thoát nước, trong đó có 10 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 tổng vốn gần 8 ngàn t ỷ đồng và 12 dự án dự kiến khởi công mới gần 1 ngàn tỷ đồng. |
H.Long Thành cũng đang trong quá trình phấn đấu đạt đô thị loại IV vào năm 2025 và đô thị loại III vào năm 2030 nhưng nhiều hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa. Một trong số đó là hạ tầng về thoát nước, xử lý nước thải.
Theo chia sẻ của Phòng Quản lý đô thị H.Long Thành, các tuyến đường đầu tư xây dựng trước năm 2015 hầu như không có hệ thống thoát nước đi kèm; nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng có hạn trong khi số lượng dự án triển khai nhiều dẫn đến chưa bố trí được vốn. Bên cạnh đó, tình trạng rác thải, vật liệu xây dựng chưa được thu gom triệt để dẫn đến ứ đọng; lấn chiếm suối ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên; tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập chậm do vướng mặt bằng... là những nguyên nhân dẫn đến quá tải hạ tầng
thoát nước.
Không chỉ các địa phương trong quá trình phát triển đô thị gặp khó đối với tiêu chí thoát nước, xử lý nước thải mà ở đô thị loại I Biên Hòa hạ tầng này cũng không đáp ứng. Về hạ tầng thoát nước, TP.Biên Hòa còn nhiều tuyến đường cứ mưa là ngập và hiện còn 8 điểm ngập nghiêm trọng. Về hạ tầng xử lý nước thải, thành phố chưa có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, chỉ có một nhà máy xử lý nước thải nhưng công suất chỉ khoảng 1% tổng lượng nước thải phát sinh.
* Triển khai nhiều dự án cấp, thoát nước lớn
Thoát nước và xử lý nước thải đô thị là một trong những tiêu chí quan trọng để hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh, nguồn vốn đầu tư có hạn nên hạ tầng thoát nước chưa theo kịp. Không chỉ bị “vướng”, “nợ” tiêu chí đô thị mà còn tác động lớn đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 đô thị là TP.Biên Hòa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nhưng công suất rất nhỏ và không trực tiếp thu gom từ hộ gia đình xử lý, các đô thị còn lại đang trong giai đoạn lập dự án khả thi. Về thoát nước, thời gian qua tỉnh và các địa phương đã triển khai các dự án cải tạo, sửa chữa đường kết hợp đầu tư hệ thống thu gom nước mưa một số tuyến đường huyết mạch; nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh để hạn chế ngập nước đô thị.
Thi công hệ thống thoát nước dọc đường Phùng Hưng (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) |
Theo đánh giá của Sở TN-MT, tiến độ các dự án xử lý nước thải sinh hoạt, thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh chậm so với kế hoạch dẫn đến gia tăng áp lực về ô nhiễm nguồn tiếp nhận nước thải tại các sông, suối. Sở kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; dự án cải tạo kênh mương, suối chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.
Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm đến hạ tầng, trong đó có xây mới hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; làm các hồ chứa nước và nạo vét kênh mương nội ô để gia tăng tiêu thoát nước, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý là trong các dự án: hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa với số vốn hơn 6,6 ngàn tỷ đồng; hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong tại H.Long Thành gần 585 tỷ đồng; tuyến thoát nước dải cây xanh H.Nhơn Trạch hơn 310 tỷ đồng; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Long Thành giai đoạn ưu tiên 107 tỷ đồng; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom giai đoạn ưu tiên gần 100 tỷ đồng…, hiện có một số dự án đã triển khai thực hiện. Ngoài ra, các địa phương cũng đầu tư dự án theo kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn.
Làm việc về tình hình kinh tế - xã hội với các huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho đường giao thông, nhà ở nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân. Các dự án đầu tư hạ tầng mới phải chuẩn theo tiêu chí đô thị, thị xã để thuận lợi cho sau này.
Ban Mai