Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng TT.Dầu Giây: Tính toán tất cả các cơ hội phát triển

07:10, 06/10/2022

Vị trí địa lý, hệ thống giao thông và quỹ đất phát triển đô thị được đánh giá là những tiềm năng to lớn để phát triển đô thị Dầu Giây trong thời gian tới.

Vị trí địa lý, hệ thống giao thông và quỹ đất phát triển đô thị được đánh giá là những tiềm năng to lớn để phát triển đô thị Dầu Giây trong thời gian tới.

Nút giao Dầu Giây (giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian đô thị Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng
Nút giao Dầu Giây (giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian đô thị Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

* Nhiều tiềm năng phát triển đô thị

TT.Dầu Giây là đô thị trung tâm của H.Thống Nhất nên nơi đây thừa hưởng hầu như tất cả các lợi thế của một đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của cả nước. Theo lộ trình đề ra, TT.Dầu Giây sẽ được phát triển, trở thành đô thị loại IV vào năm 2030.

Về tiềm năng phát triển đô thị, theo đại diện Công ty CP Kiến trúc, đầu tư và thương mại Việt Nam (VARIC), đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Dầu Giây có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội để chuyển dần từ đô thị loại V lên đô thị loại IV trong tương lai.

Cụ thể, theo đơn vị tư vấn, đô thị Dầu Giây có vị trí chiến lược, nằm trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt. Đồng thời, trên địa bàn cũng có Khu công nghiệp Dầu Giây đang từng bước phát triển và đi vào hoạt động ổn định.

Tại cuộc họp của Hội đồng Thẩm định quy hoạch xây dựng tỉnh để nghe đơn vị tư vấn báo cáo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng 27-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị đơn vị tư vấn cần phải đánh giá đến sự tác động của các yếu tố bên ngoài trong quá trình phát triển; trong đó, phải tính toán đến các yếu tố quốc tế bởi TT.Dầu Giây có vị trí gần với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đặc biệt, đô thị Dầu Giây nằm ở vị trí tiếp cận thuận lợi với các đô thị lớn của tỉnh như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, TT.Trảng Bom, TT.Long Thành. TT.Định Quán… nên sẽ có sự ảnh hưởng phát triển của các đô thị trên. Cùng với đó, một lợi thế nữa của TT.Dầu Giây là quỹ đất phát triển đô thị còn nhiều và thuận lợi cho xây dựng, phát triển các khu thương mại dịch vụ mang tính chất tiểu vùng.

Xuất phát từ những tiềm năng trên cộng với việc bổ sung các yếu tố tác động từ Vùng TP.HCM, Vùng tỉnh Đồng Nai, đơn vị tư vấn cũng đã xác định các tính chất của TT.Dầu Giây trong tương lai.

Theo đó, TT.Dầu Giây được xác định là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Hỗ trợ các chức năng giáo dục - đào tạo, y tế, thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Vùng TP.HCM. Đô thị Dầu Giây cũng là đô thị gắn với khu, cụm công nghiệp tập trung, phát triển dịch vụ du lịch giải trí, trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản vùng trung tâm của tỉnh. Đầu mối giao thông của tỉnh Đồng Nai liên kết Vùng TP.HCM.

Đánh giá về tiềm năng phát triển đô thị của TT.Dầu Giây, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, so sánh với một số đô thị như: Gia Ray (H.Xuân Lộc), Long Giao (H.Cẩm Mỹ), Tân Phú (H.Tân Phú) thì đô thị Dầu Giây có điều kiện thuận lợi để phát triển nhất. “Chính vì vậy, đề nghị lấy quy hoạch đô thị Dầu Giây làm quy hoạch mẫu cho các đô thị khác trên địa bàn tỉnh” - ông Hồ Văn Hà nêu quan điểm.

* “Nhận diện” nét riêng của đô thị Dầu Giây

Xuất phát từ vị trí địa lý, một trong những thế mạnh của đô thị Dầu Giây chính là mạng lưới giao thông kết nối.

Theo quy hoạch, trên địa bàn TT.Dầu Giây sẽ có 3 tuyến đường cao tốc đi qua gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Phan Thiết - Dầu Giây và Dầu Giây - Liên Khương. Cùng với đó, trên địa bàn TT.Dầu Giây còn có 2 tuyến quốc lộ đi qua là quốc lộ 1, 20 và hệ thống các tuyến đường tỉnh.

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho hay, trên địa bàn TT.Dầu Giây sẽ có 3 tuyến cao tốc đi qua. Do đó, huyện cũng đã cập nhật quy hoạch các tuyến đường gom dân sinh với chiều rộng 32m dọc các tuyến cao tốc để phục vụ nhu cầu phát triển. Đồng thời, địa phương cũng đã quy hoạch thêm 2 tuyến đường song song với đường tỉnh 769 đã được tỉnh có chủ trương đầu tư mở rộng.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, TT.Dầu Giây rất thuận lợi khi có các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đi qua. Trong đó, vị trí nút giao giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 20 sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển đô thị Dầu Giây. Mặc dù vậy, ông Hà cũng cho rằng, bên cạnh thuận lợi thì việc có các tuyến cao tốc đi qua cũng là điểm gây hạn chế trong việc phát triển đô thị Dầu Giây bởi không gian đô thị sẽ bị chia cắt bởi các tuyến đường.

Góp ý vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng của TT.Dầu Giây, ông Hồ Văn Hà cho rằng, cần phải xác định rõ mục tiêu trong phát triển đô thị là gì. “Trên địa bàn TT.Dầu Giây có Trường đại học Công nghệ Miền Đông đang dự kiến được mở rộng. Do đó, đô thị Dầu Giây là đô thị có trường đại học” - ông Hồ Văn Hà cho hay.

TT.Dầu Giây còn có chợ đầu mối nông sản thực phẩm, đây cũng là yếu tố tác động đến quá trình phát triển đô thị, cũng là điểm nhấn thu hút du khách, tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ và góp phần thu hút dân cư. “Quy mô dân số là yếu tố quyết định đầu tiên trong việc phát triển của một đô thị” - ông Hồ Văn Hà nhấn mạnh.

Đánh giá về quy hoạch phát triển đô thị Dầu Giây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, TT.Dầu Giây có vai trò cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là ưu điểm nhưng cũng sẽ là nhược điểm trong phát triển đô thị nếu các tuyến cao tốc không có đường dẫn xuống sẽ dẫn đến sự chia cắt về không gian.

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu trong đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng của TT.Dầu Giây, đơn vị tư vấn phải đánh giá hết điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển đô thị. Đồng thời, tính toán hết các cơ hội phát triển. “Khi cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành xây dựng thì người dân khu vực miền Tây Nam bộ đi lên hướng Tây nguyên sẽ đi qua đây. Do đó, cần phải có sự đánh giá, tính toán tất cả các cơ hội tác động đến sự phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng dẫn chứng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu đơn vị tư vấn phải xác định được đặc điểm thương hiệu của đô thị Dầu Giây bởi đồ án hiện nay chưa xác định được đặc điểm thương hiệu của đô thị Dầu Giây là gì.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều