Trong những tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra cao và lây lan trên diện rộng; trong đó, có các dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Trong những tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra cao và lây lan trên diện rộng; trong đó, có các dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi như: dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm… Đây cũng là dịp hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên thị trường tăng mạnh, góp phần làm tăng cao rủi ro lây lan dịch bệnh.
Thương lái H.Thống Nhất vận chuyển heo cung cấp cho thị trường TP.HCM. Ảnh: B.Nguyên |
Cả cơ quan quản lý lẫn người chăn nuôi đang tập trung thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi.
* Rủi ro tái phát dịch trên đàn vật nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 ổ dịch tả heo châu Phi với gần 150 con heo bị tiêu hủy. Về dịch cúm gia cầm, bệnh cúm gia cầm chủng A/H5N1 đã xảy ra tại xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom và xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ với 4,4 ngàn con vịt bị tiêu hủy. Kết quả giám sát tại chợ đã phát hiện lưu hành vius subtype H5N1 và subtype H7 trên gia cầm.
Tính đến cuối tháng 7, cả nước đã xảy ra 25 ổ dịch cúm gia cầm tại 25 xã thuộc 22 huyện của 15 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 64 ngàn con gia cầm. Trên thế giới, hàng trăm ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm và chim hoang dã xảy ra tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở châu Âu, rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.
Những tháng cuối năm, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay, nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao; đặc biệt, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người. Các trại nuôi quy mô lớn rất quan tâm thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm túc công tác tiêm vaccine phòng dịch. Tuy nhiên, việc triển khai phòng, chống dịch với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế, làm rủi ro xuất hiện dịch bệnh và trở thành nguồn lây lan.
Phó trưởng phòng Phòng chống dịch (Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai) Lương Hải Phong cho biết, các ổ dịch tả heo châu Phi cũng như dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau khi phát sinh ổ dịch, các địa phương đã thực hiện ngay các biện pháp xử lý môi trường, không để dịch bệnh lây lan. Ngành chăn nuôi đang tập trung công tác tiêm phòng, kiểm tra, giám sát dịch, bệnh tại các địa phương. Hiện một số địa phương đang triển khai tiêm phòng đại trà cho đàn gia cầm.
* Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm vào các tháng cuối năm 2022.
Trong đó, văn bản yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Khi xảy ra ổ dịch cúm gia cầm, các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch cúm gia cầm. Phối hợp ngành thú y lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, xác định nguyên nhân gây bệnh, kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh…
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, việc kiểm soát vận chuyển đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi ra vào địa bàn tỉnh được tăng cường. Trong đó, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ; tuyên truyền, vận động người kinh doanh, buôn bán chỉ bán sản phẩm chăn nuôi đã qua kiểm dịch đúng quy định...
Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai vừa có văn bản thông báo kể từ ngày 6-10, hồ sơ kiểm dịch đối với heo vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh với mục đích làm giống, giết mổ phải có thêm kết quả xét nghiệm đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. Kết quả xét nghiệm được gửi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục đang triển khai hướng dẫn việc thực hiện kiểm dịch này.
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, trung bình Đồng Nai xuất khoảng 6 ngàn heo thịt/ngày cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận. Về thực hiện xét nghiệm dịch tả heo châu Phi, hiện Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Đồng Nai (Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai) đã có chức năng xét nghiệm dịch tả heo châu Phi, có thể đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Thời gian xét nghiệm chỉ sau 24 giờ là có kết quả. |
Bình Nguyên