Nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là "cửa ngõ" của đô thị lớn nhất cả nước, Đồng Nai từ lâu đã đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Vì vậy, trong quy hoạch, Đồng Nai "sở hữu" tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không đến đường thủy.
Nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là “cửa ngõ” của đô thị lớn nhất cả nước, Đồng Nai từ lâu đã đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Vì vậy, trong quy hoạch, Đồng Nai “sở hữu” tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không đến đường thủy.
Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn xã Phước Thái, H.Long Thành |
Với việc có đầy đủ các loại hình giao thông trên địa bàn, Đồng Nai gần như hội tụ hết các tiềm năng để tạo ra động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lợi thế từ hệ thống hạ tầng giao thông
Với lợi thế về vị trí địa lý, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tuyến quốc lộ đi qua gồm: quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56 và quốc lộ 1K. Từ lâu, các tuyến quốc lộ này đã đóng vai trò huyết mạch trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm gần đây, với mục tiêu tạo sự đột phá phát triển từ hệ thống hạ tầng giao thông, hàng loạt tuyến đường cao tốc đã được Trung ương đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức được đưa vào khai thác. Đây cũng chính là tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực phía Nam hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Hơn 7 năm qua, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Đồng Nai phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nếu các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được đồng loạt triển khai, thời gian tới, Đồng Nai sẽ là một đại công trường của các dự án giao thông. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 tuyến đường cao tốc đang được triển khai xây dựng là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Khi đưa vào khai thác, 2 tuyến cao tốc này sẽ tạo ra sự kết nối giữa Đồng Nai với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.
Cùng với các tuyến đường cao tốc nói trên, thời gian tới, sẽ có thêm các tuyến cao tốc mới được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dầu Giây - Liên Khương và 2 tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM.
Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn được gia tăng thêm lợi thế khi dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 cũng đã chính thức được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Đây là dự án được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho rất nhiều ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GT-VT thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM cùng các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ GT-VT vào ngày 23-8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, về phía tỉnh Đồng Nai, rất mong 2 tuyến đường sắt này sớm được đầu tư nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ cũng như kết nối giao thông với sân bay Long Thành và các tỉnh, thành lân cận.
Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị các cơ quan chuyên môn và đơn vị tư vấn phải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án vào tháng 4-2023, đến tháng 9-2023 phải trình Hội đồng thẩm định quốc gia về các dự án đầu tư 2 tuyến đường sắt.
Lợi thế về hạ tầng giao thông của Đồng Nai còn được bổ sung thêm nhờ hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển số 4. Cũng theo quy hoạch này, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân. Trong số này, cảng Phước An là cảng biển trọng điểm của tỉnh.
Xác định những cực tăng trưởng mới
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, về tiến độ đang cơ bản được đảm bảo. Trong khi đó, dự án Xây dựng cảng Phước An cũng đang có tiến độ khá tốt. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành. Tiến độ ép cọc đối với 2 cầu cảng đầu tiên cũng đang đáp ứng yêu cầu. “Nhà đầu tư cam kết trong quý II-2024 sẽ đưa vào vận hành cảng Phước An” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Với khả năng đón tàu có trọng tải đến 50 ngàn tấn, khi đưa vào khai thác, cảng Phước An sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, từ đó giảm chi phí về logistics cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Với riêng Đồng Nai, sân bay Long Thành và cảng Phước An được xác định sẽ là những cực tăng trưởng trọng tâm của tỉnh. Trong khi đó, tính trên bình diện Vùng Đông Nam bộ, sân bay Long Thành cùng cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là những cực tăng trưởng mới của vùng. Như vây, trong thời gian tới, Đồng Nai có rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên mạng lưới hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại trên tất cả các phương thức vận tải.
Với quy hoạch thực hiện các dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, những cực tăng trưởng mới của tỉnh cũng như của Vùng Đông Nam bộ gồm: sân bay Long Thành, cảng Phước An, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ có được một hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh để có thể lan tỏa được động lực phát triển.
Bên cạnh đó, để tận dụng tốt lợi thế phát triển từ các dự án giao thông lớn, Đồng Nai cũng đang lên kế hoạch triển khai nhiều tuyến đường tỉnh với mục tiêu kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đối nội với hệ thống giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Quỳnh Nhi