Nguồn vốn đầu tư công là một trong hai nguồn đầu tư chính tạo nên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai liên tiếp bị chậm...
Nguồn vốn đầu tư công là một trong hai nguồn đầu tư chính tạo nên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai liên tiếp bị chậm làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng vốn…
Bài 1: Động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng
Chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng. Chính vì vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của toàn xã hội.
Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt hiện đang bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: Phạm Tùng |
* Chật vật giải ngân vốn
Nguồn vốn đầu tư công có vai trò rất lớn trong việc tạo ra tăng trưởng, phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cũng như các địa phương khác, hằng năm, Đồng Nai xác định thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.
Trên thực tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và luôn trong tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng chậm tiến độ ở các dự án đầu tư công chủ yếu vẫn là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. |
Năm 2020, tổng vốn đầu tư công là 25 ngàn tỷ đồng, gồm: nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh và cấp huyện để thực hiện các công trình, dự án. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của tỉnh từ đầu năm đến đầu tháng 11-2020 chậm hơn bình quân chung cả nước khoảng 10%. Đến hết năm, giải ngân các công trình chỉ đạt trên 80%.
Đến năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công sau điều chỉnh là hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch đặt ra, trong năm 2021, Đồng Nai phải giải ngân đạt từ 95% trở lên. Tuy nhiên, quá trình giải ngân nguồn vốn chậm, gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công được giải ngân chỉ đạt gần 30% kế hoạch vốn được giao.
Chính vì vậy, mục tiêu giải ngân nguồn vốn ban đầu đã được “hạ” xuống mức đạt 90%. Đến ngày 31-1-2021, nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được giải ngân đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thực tế, giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 cũng diễn ra hết sức khó khăn và chậm chạp. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân của một số đơn vị trên địa bàn tỉnh kết thúc năm 2021 là 0%.
Theo Sở KH-ĐT, giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 bị chậm và gặp nhiều khó khăn do đây là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Đồng Nai đã có 3 tháng liền phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Do đó, việc triển khai thi công các dự án cũng như hoàn thiện các thủ tục đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Đến khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng, giá các loại vật liệu xây dựng lại liên tục tăng cao, các dự án bị đội vốn, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải chờ điều chỉnh lại giá, kế hoạch thi công, gây cản trở tiến độ các dự án.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 14,1 ngàn tỷ đồng. Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tính đến ngày 18-8, Đồng Nai đã giải ngân đạt gần 34% đối với nguồn vốn ngân sách địa phương và gần 40% nguồn vốn ngân sách trung ương. Kết quả này còn cách khá xa so với mục tiêu mà Đồng Nai đề ra là kết thúc 9 tháng của năm, tỷ lệ giải ngân phải đạt 60%.
“Dù các địa phương và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm vẫn chậm” - ông Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá.
* Nhiều “nút thắt” kìm hãm tiến độ giải ngân
Chính thức ký hợp đồng thi công từ cuối năm 2020, tuy nhiên, đến nay, dự án Chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan, TP.Biên Hòa vẫn chưa thể khởi công thực hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dự án vẫn chưa được bàn giao đủ mặt bằng để phục vụ thi công.
Dự án Chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan là một trong số rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm qua.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, đến giữa tháng 8-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đối với các dự án được giao cho đơn vị làm chủ đầu tư mới chỉ đạt khoảng 15% tổng nguồn vốn được bố trí, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh. Khó khăn, ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác giải ngân nguồn vốn cũng được ông Ân chỉ ra là do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang làm chủ đầu tư có 23 dự án chuyển tiếp từ các năm trước. Trong số này, 14 dự án đang gặp vướng mắc về mặt bằng.
“23 dự án có tổng vốn được bố trí hơn 200 tỷ đồng thì 14 dự án đang gặp vướng mắc về mặt bằng chiếm số vốn lên đến 170 tỷ. Mặt bằng bàn giao chậm, da beo, đứt đoạn khiến cho việc thi công bị chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân nguồn vốn” - ông Ngô Thế Ân cho hay.
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền nhận định, nhiều năm nay, địa phương đã cố gắng dồn lực để giải ngân hết vốn được bố trí, song những công trình, dự án phải thu hồi đất khâu giải phóng mặt bằng thường kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ. Dự án không theo đúng lộ trình không giải ngân được, không tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ lập hồ sơ cũng như công tác giải phóng mặt bằng các dự án bị kéo dài. Đặc biệt, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bênh nên nhiều dự án khởi công phải đến thời điểm cuối năm mới hoàn thành các thủ tục đấu thầu để khởi công. Vì vậy, các dự án được tạm ứng nguồn vốn để thực hiện hợp đồng khá lớn. Đến năm 2022, các dự án này được bố trí nguồn vốn chuyển tiếp để thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn khối lượng thực hiện để giải ngân giai đoạn đầu năm 2022 phải hoàn lại phần vốn đã tạm ứng nên tỷ lệ giải ngân của các dự án này đạt thấp. Đồng thời, từ đầu năm 2022 đến nay, do chưa có đơn giá bồi thường cây trồng nên các địa phương cũng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Lê Khắc Sơn chia sẻ: “Từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công của H.Xuân Lộc thấp còn thêm nguyên nhân là do một số dự án chưa có kế hoạch sử dụng đất và phải đợi tỉnh phê duyệt mới tiếp tục triển khai, thiếu đơn giá cây trồng. Hơn 7 tháng của năm 2022, giải ngân của huyện đạt trên 30% và huyện đang nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch”.
Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua bị chậm còn có nguyên nhân đến từ năng lực của các nhà thầu thi công. Đặc biệt là tình trạng nhà thầu trúng thầu nhiều công trình nhưng không đủ năng lực thi công dẫn đến việc chậm tiến độ dự án và giải ngân nguồn vốn.
Phạm Tùng - Hương Giang
Bài 2: Gỡ “nút thắt” cho giải ngân vốn đầu tư công