Dùng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón vừa giảm chi phí đầu tư, giảm rác thải cần phải xử lý, vừa góp phần xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng xanh bền vững. Thế nhưng, việc làm này chưa được nhiều nông dân quan tâm.
Dùng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón vừa giảm chi phí đầu tư, giảm rác thải cần phải xử lý, vừa góp phần xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng xanh bền vững. Thế nhưng, việc làm này chưa được nhiều nông dân quan tâm.
Phụ phẩm cây bắp có thể tận dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi, phân bón hữu cơ. Trong ảnh: Thu hoạch bắp tại xã Lang Minh, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Mai |
Trong Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng.
* Chưa thực sự quan tâm
Hộ ông Võ Thanh Bình (ngụ xã Long An, H.Long Thành) có khoảng 3ha đất trồng dưa gang và củ sắn. Các loại cây này sau khi thu hoạch củ, quả có thể kết hợp với phân bò, phân heo ủ hoai làm phân bón hữu cơ, nhưng ông Bình không làm vậy. Sau mỗi kỳ thu hoạch, ông Bình nhổ gốc, phơi khô rồi đốt cây tại ruộng.
Ông Bình cho biết, ông sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học để sản xuất nhưng với liều lượng, tần suất theo khuyến cáo. Nếu thuận lợi, mỗi vụ có thể lời hơn trăm triệu đồng, không may bị sâu bệnh, giá thấp thì lỗ tiền phân, thuốc. Còn về tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, ông chưa thực hiện vì mất công.
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ ban hành ngày 2-8-2022 đưa ra quan điểm, chất thải và phụ phẩm nông nghiệp phải được quản lý như một loại tài nguyên để tái chế, tái sử dụng. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Ông Hồ Tấn Duy (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây sau khi thu hoạch lúa, ông giữ lại rơm rạ tại ruộng với 2 mục đích làm phân bón lót cho vụ tới và hạn chế chai cứng cho đất. Nhưng hiện tại, rơm rạ ông bán hết cho hộ chăn nuôi, trồng nấm. “Rơm rạ có thể làm phân bón nhưng với điều kiện ruộng phải có nước thường xuyên, có thời gian khoảng 1 tháng ủ hoai. Tôi làm luân phiên mỗi năm 2 vụ bắp, 1 vụ lúa không áp dụng quy trình này được” - ông Duy chia sẻ.
Ông Trần Văn Tuyên (ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) cho biết, thời gian qua, gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì giá phân bón tăng cao mà giá thanh long xuống thấp. Ông cũng tính tự làm phân bón như một số hộ trên địa bàn nhưng khó thực hiện vì cây thanh long ít phụ phẩm, nhà không có chất thải chăn nuôi, ông cũng không rành quy trình kỹ thuật ủ. Ông Tuyên mong các ngành chức năng có giải pháp kéo giảm giá phân bón, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ có chi phí thấp và giá rẻ để giảm áp lực đầu tư mà vẫn nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thực tế 2 năm qua, nhiều nông dân gặp khó khăn vì giá phân bón và thuốc trừ sâu tăng cao trong khi đầu ra bấp bênh, giá thấp. Nông dân có thể áp dụng giải pháp tự làm phân bón bằng phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ để tiết kiệm chi phí đầu tư và duy trì sản xuất.
* Nguyên liệu tự nhiên cho phân bón hữu cơ
Đồng Nai là địa phương sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi lớn của cả nước. Việc triển khai và nhân rộng mô hình tự làm phân bón từ chất thải trồng trọt (lá, củ, quả và thân cây mềm), chất thải vật nuôi và rác thải hữu cơ không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên để sản xuất phân bón sinh học, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm bàn giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ do Hội Nông dân tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở KH-CN phối hợp tổ chức vào tháng 8 vừa qua, đại diện Sở NN-PTNT thông tin, hiện toàn tỉnh có khoảng 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt và hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Qua đánh giá của nông dân, ứng dụng kỹ thuật này giúp cây trồng sinh trưởng tốt, sức khỏe người làm vườn được bảo vệ và giảm mùi hôi trong chăn nuôi.
Anh Trần Thanh Tùng (ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) đang áp dụng mô hình tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn bưởi và lan cho biết, anh đã tiết kiệm được 70% chi phí so với dùng phân bón và thuốc hóa học, đất đai màu mỡ, cây đạt năng suất hơn. Anh Tùng đã dùng nước men vi sinh IMO do Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ ủ với trứng gia cầm, cây họ đậu rồi pha loãng tưới gốc thay cho phân bón. Đối với thuốc trừ sâu, anh làm tương tự nhưng ủ với tỏi, ớt, gừng và phun trực tiếp lên lá, thân cây.
Ông Ngô Văn Hoa (ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) cho biết, 2 năm qua, ông đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ tự làm phân bón, thuốc trừ sâu cho thanh long. Ông Hoa dùng trứng gà, mật ong, sữa tươi và men vi sinh hữu cơ trộn đều ủ 30-45 ngày, sau đó pha loãng phun thân cây và tưới gốc. Ông sử dụng thêm phân bò, kali trong giai đoạn cây ra hoa để tăng khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng. Nhờ cách làm này, ông Hoa đã giảm được 30% chi phí so với dùng phân và thuốc hóa học, năng suất vườn thanh long tăng từ 35 lên 45 tấn/ha/năm.
Tái sử dụng phụ phẩm, phế thải nông nghiệp làm phân bón là một trong những giải pháp quan trọng của các mô hình: kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được khuyến khích. Không chỉ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn với giá cả phải chăng mà còn góp phần giảm ô nhiễm, phát thải từ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng thực phẩm. Điều quan trọng, mô hình phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ, có thể thực hiện ngay tại nhà bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên, sẵn có.
Ban Mai