Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) thăm vườn tiêu hữu cơ ở xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hữu cơ đã được triển khai sâu rộng vào thực tế sản xuất nông nghiệp.
* Triển khai sâu rộng vào thực tế sản xuất
Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ có thể ứng dụng đại trà.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 3,5ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ của HTX Nông nghiệp Lâm San (H.Cẩm Mỹ) và hình thành nhiều mô hình sản xuất không sử dụng đầu vào hóa học. Công tác tuyên truyền thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân, vì vậy người sản xuất đang có xu hướng giảm dần đầu vào hóa học và chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm đầu vào hữu cơ, các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh học.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 ngàn ha. |
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 600 nông dân ứng dụng IMO và MEVI vào sản xuất trồng trọt (ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật) cho hơn 200ha cây ăn quả, rau màu; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng IMO và MEVI để xử lý môi trường chăn nuôi, giảm mùi hôi do chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Mô hình này đã được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng rộng rãi, điển hình là các huyện: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ.
Trước áp lực giá phân, thuốc hóa học không ngừng tăng cao trong thời gian qua, nông dân ngày càng quan tâm đến việc tìm các giải pháp giảm chi phí đầu vào. Nông dân tự làm phân, thuốc sinh học từ tận dụng các nguồn nguyên liệu là chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp… là giải pháp thiết thực có thể ứng dụng rộng rãi.
Nông dân Vũ Văn Mạnh (ở xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) cho hay, khoảng 2 năm nay, gia đình ông tự làm phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong xử lý sâu bệnh để chăm sóc vườn ổi và vườn mít rộng 1,3ha. Nguyên liệu để làm phân bón hữu cơ rất đa dạng, có thể thay đổi tùy vào nguồn rác hữu cơ nhà vườn tận dụng được như từ động vật (xác gà, vịt, bắt ốc sên hại vườn cây, cá) trộn với các loại rau, lá như cây chùm ngây… “Nhờ chủ động được nguồn vật tư sản xuất đầu vào nên khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “sốt giá” không ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của nhà vườn” - ông Mạnh nói.
* Nhiều chính sách hỗ trợ
Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến nông 5 năm…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, hiện tỉnh có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã được ban hành. Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025 là diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 33 ngàn ha, Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; dự án Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh khi đáp ứng các điều kiện theo từng chính sách được hỗ trợ một số nội dung sau: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y... Ngoài các cơ chế chính sách, chương trình, đề án đã được tỉnh ban hành, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, dự án Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ, dự kiến tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.
Theo TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam (Viện Nông học thổ nhưỡng Việt Nam), sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam trong những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản. Tuy nhiên, nghịch lý là quy mô sản xuất sản phẩm hữu cơ của ta còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm kiếm thị trường, trong khi người dân lại muốn tìm mua các sản phẩm này lại không có. Trong đó có nguyên nhân người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước. Điều cần cải thiện ở đây là sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song song với việc truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất, phải tạo được niềm tin với người tiêu dùng. |
Bình Nguyên