Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

06:08, 22/08/2022

Đến đầu tháng 8-2022, giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai mới đạt gần 4,9 ngàn tỷ đồng, tương ứng với 34,5% kế hoạch.

Đến đầu tháng 8-2022, giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai mới đạt gần 4,9 ngàn tỷ đồng, tương ứng với 34,5% kế hoạch. Như vậy, hơn 4 tháng còn lại của năm, các địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh phải giải ngân thêm gần 61% nữa mới hoàn thành kế hoạch năm.

Dự án Đường ven sông Đồng Nai đầu tư bằng vốn ngân sách sau đó sẽ khai thác quỹ đất lợi thế gần dự án để bù lại. Ảnh: Hương Giang
Dự án Đường ven sông Đồng Nai đầu tư bằng vốn ngân sách sau đó sẽ khai thác quỹ đất lợi thế gần dự án để bù lại. Ảnh: Hương Giang

Theo Sở KH-ĐT, năm 2022, tổng vốn đầu tư công Đồng Nai được phân bổ là hơn 14,1 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương gần 4,7 ngàn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 9,4 ngàn tỷ đồng.

* Đối mặt nhiều khó khăn

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tại Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân trong gần 8 tháng của năm 2022 còn thấp là do vướng ở khâu hồ sơ thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu kế hoạch sử dụng đất, giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Cụ thể, nhiều dự án khởi công mới năm 2022 do chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thiện hồ sơ để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công nên giải ngân vốn còn thấp. Dự kiến, trong quý III-2022, nhiều công trình, dự án mới hoàn thành thủ tục để khởi công xây dựng, khi đó mới đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn bố trí cho các dự án khởi công mới.

Trong bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án gặp khó khăn vì thiếu đơn vị thẩm định giá, chưa có giá bồi thường cây trồng trên đất, nhiều người dân chưa đồng tình với giá bồi thường vì cho rằng giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, các hộ gia đình đề xuất bố trí nơi tái định cư rồi mới nhận bồi thường…

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: “Năm 2022, H.Thống Nhất được giao kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 215 tỷ đồng, giải ngân đến trung tuần tháng 8-2022, được gần 24 tỷ đồng đạt hơn 11%. Trong nguồn vốn bố trí có gần một nửa dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án. Tuy nhiên, do tỉnh chưa ban hành giá bồi thường cây cao su dẫn đến tỷ lệ giải ngân của huyện thấp”.

Nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải vướng mắc như H.Thống Nhất.

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Lê Khắc Sơn chia sẻ: “Giải ngân vốn đầu tư công của huyện đến nay mới đạt trên 30% là do nhiều dự án gặp khó ở khâu chưa có kế hoạch sử dụng đất. Do đó, huyện phải đợi tỉnh bổ sung các dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 mới triển khai các bước tiếp theo”.

* “Chạy nước rút” giải ngân vốn

Tuy tỷ lệ giải ngân của các địa phương, sở, ngành thấp, nhưng các đơn vị đều đã đưa ra các giải pháp và cho biết sẽ “chạy nước rút” trong những tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch. Trong đó, các địa phương sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án mới và tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phó giám đốc Sở Tài chính Đặng Thị Kim Thắm cho hay: “Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đang bị nghẽn ở khâu xác định đơn giá bồi thường cây trồng làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sở Tài chính đã xây dựng đơn giá cho cây trồng và đang gửi lấy ý kiến Sở Tư pháp sau đó sẽ trình tỉnh phê duyệt và triển khai, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để đẩy nhanh giải ngân”.

Tuy nhiên theo bà Đặng Thị Kim Thắm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp còn do nhiều đơn vị thi công để dồn hồ sơ đến cuối năm mới quyết toán. Vì thế, các sở ngành, địa phương phải rà soát lại từng dự án, công khai xử phạt các chủ đầu tư cố tình kéo dài không hoàn tất thủ tục ngay để quyết toán.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, các dự án thuộc ngành Nông nghiệp giải ngân rất chậm do ảnh hưởng giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều nhà thầu thi công kéo dài hoặc tạm dừng thi công. Do đó, tỉnh có giải pháp chế tài để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nguồn vốn giải ngân đúng kế hoạch, chủ đầu tư xác định tiến độ, lộ trình, thời gian cụ thể với từng khâu của dự án, từ đó đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu và lập hồ sơ thanh toán. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời các khiếu nại, tạo sự đồng thuận trong dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện, kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công và nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình phải xử lý thật nghiêm.

Chính phủ yêu cầu, năm 2022 Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước phải giải ngân được trên 95%

Hương Giang

Tin xem nhiều