Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất hàng hóa

07:08, 17/08/2022

Thời gian qua, các địa phương đã tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là đường, điện cho các vùng chuyên canh lớn, các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn.

Thời gian qua, các địa phương đã tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là đường, điện cho các vùng chuyên canh lớn, các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn.

Đường giao thông được đầu tư về tận cánh đồng tại xã Phú Điền (H.Tân Phú). Ảnh: Bình Nguyên
Đường giao thông được đầu tư về tận cánh đồng tại xã Phú Điền (H.Tân Phú). Ảnh: Bình Nguyên

Mục tiêu này được các địa phương tiếp tục ưu tiên đầu tư trong thời gian tới gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.

* Đầu tư hạ tầng cho vùng chuyên canh

Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn. Trong đó, các vùng sản xuất lớn, các vùng chuyên canh được ưu tiên đầu tư điện, đường về tận cánh đồng để phục vụ sản xuất.

Cẩm Mỹ là huyện thuần nông, bắt tay vào xây dựng NTM với rất nhiều khó khăn. Trong đó, do địa bàn rộng, nhiều khu vực dân cư thưa thớt nên rất khó huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư đạt tiêu chí về hạ tầng.

Trưởng phòng Nông nghiệp H.Cẩm Mỹ Ngô Hữu Phụng cho biết, nhờ tập trung chuyển đổi cây trồng, đến nay địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, diện tích gần 5,6 ngàn ha với nhiều cây trồng chủ lực như: rau, bắp, hồ tiêu, sầu riêng... Những năm đầu bắt tay vào xây dựng NTM, thu nhập bình quân chỉ đạt vài chục triệu đồng/ha thì nay tăng lên 160-170 triệu đồng/ha, có nhiều trường hợp thu nhập lên đến 800 triệu đồng/ha với cây sầu riêng.

Hiện cánh đồng ấp 2, xã Xuân Tây, cánh đồng Cọ Dầu (xã Xuân Đông) sau khi được đầu tư đường điện hạ thế phủ toàn cánh đồng, nông dân đã tăng sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ/năm, không những tăng thu nhập cho nông dân mà còn khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất, không để tình trạng bỏ đất trống vụ đông xuân do thiếu điện sản xuất như trước.

“Địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện sản xuất về tận cánh đồng phục vụ sản xuất. Thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các dự án cánh đồng lớn, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gắn với mục tiêu phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2024” - ông Phụng nói.

Ông Nguyễn Văn Thu, nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) vui vẻ khoe, hiện nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn cây ca cao rất phấn khởi vì điều kiện sản xuất được cải thiện, nhất là đường sá thuận tiện vào tận cánh đồng, nguồn điện sản xuất cũng được đảm bảo. Trái ca cao thu hoạch xong có doanh nghiệp bao tiêu nên xã viên có lợi nhuận ổn định.

Ông Thu nói: “Địa phương không chỉ đầu tư các tuyến đường liên xã, đường xã mà quan tâm đầu tư cứng hóa các tuyến đường liên ấp dẫn vào các vùng nguyên liệu sản xuất; đầu tư hệ thống điện trung và hạ thế phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất và vận chuyển vật tư, nông sản. Nhờ đó, tôi mạnh dạn cứng hóa đường nội bộ trong vườn ca cao, hệ thống tưới nước tự động để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”.

* Tiếp tục ưu tiên cho vùng sản xuất lớn

Trong mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương của tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn; xác định hạ tầng tiếp tục là đòn bẩy cho các địa phương phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ ca cao tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) được quan tâm  đầu tư đường, điện về tận nơi sản xuất. Ảnh: Bình Nguyên
Dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ ca cao tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) được quan tâm đầu tư đường, điện về tận nơi sản xuất. Ảnh: Bình Nguyên

H.Nhơn Trạch xác định mô hình nuôi tôm nước lợ là thế mạnh của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hiện tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt gần 1,7 ngàn ha với hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút đầu tư mô hình này.

Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân chia sẻ, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, H.Nhơn Trạch quan tâm đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản. Trong đó, tiếp tục ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng cho 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn của địa phương là xã Phước An và xã Vĩnh Thanh. Các xã này cũng đã thành lập các tổ hợp tác, HTX để xây dựng chuỗi liên kết phát triển bền vững cho con tôm nước lợ.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT LÊ VĂN GỌI, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM. Trọng tâm là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phát triển hạ tầng nông thôn tiếp tục được xác định là đòn bẩy để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều