Nửa đầu năm 2022, trên bình diện cả nước cũng như Đồng Nai, sản xuất, kinh doanh hồi phục, tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng trưởng trên 2 con số, giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Nửa đầu năm 2022, trên bình diện cả nước cũng như Đồng Nai, sản xuất, kinh doanh hồi phục, tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng trưởng trên 2 con số, giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia |
Mặc dù quy mô, doanh số xuất khẩu nhìn tổng thể có sự tăng trưởng tốt song vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) sụt giảm. Các tác động từ tình hình thế giới, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các DN vẫn lo chững đơn hàng trong thời gian tới.
* Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số
Nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn là khu vực kinh tế trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Với con số gần 49,3 tỷ USD, khu vực này đóng góp 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 19,2% so với tháng trước và tăng 16,9% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cũng góp phần giữ được nhịp độ xuất siêu của nền kinh tế. Cả nước xuất siêu 710 triệu USD và con số này đối với Đồng Nai là hơn 3,1 tỷ USD. Nhiều năm nay, Đồng Nai trở thành một trong số ít các tỉnh đóng góp nhiều nhất vào việc duy trì mức độ xuất siêu của cả nước.
Để đạt được kết quả nói trên, Đồng Nai đã luôn xuyên suốt, tích cực tìm giải pháp hỗ trợ DN trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhất là trong việc xúc tiến thương mại cho các DN trong nước và tạo thuận lợi trong lĩnh vực hải quan.
Đối với hải quan, theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phùng Thị Bích Hường, đơn vị đang nỗ lực triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hải quan. Hướng đến là giải quyết các thủ tục nhanh chóng, linh động để phù hợp với tình hình thực tế của DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tại buổi đối thoại với các DN xuất nhập khẩu ngày 10-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, việc khắc phục những hạn chế, tạo thuận lợi cho DN là điều tỉnh luôn cam kết. Trong đó, địa phương cũng rất mong muốn DN thẳng thắn đóng góp ý kiến để các đơn vị, sở, ngành liên quan có giải pháp thực hiện tốt hơn.
* Vẫn lo chững đơn hàng
Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu một số mặt hàng giảm so cùng kỳ như: cao su giảm 24,39%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,96%; hạt điều giảm 12,83%. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới không cao như những năm trước, việc xuất khẩu hạn chế, giá đang có xu hướng giảm...
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Mỹ và các nước châu Âu vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các DN dự kiến việc xuất khẩu một số mặt hàng vào đây sẽ có những khó khăn hơn. Một trong số đó là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Ngoài vướng mắc phía Mỹ đang điều tra bán phá giá một số chủng loại mặt hàng thì việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ có tác động.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tháng 6 vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Lạm phát tăng cao tại thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành gỗ. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chính nhưng tháng 6-2022 chỉ đạt 826 triệu USD, giảm 19,2% so với tháng 6-2021. Tính chung nửa đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ đi Mỹ giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Tương tự là các mặt hàng may mặc. Dù hầu hết các DN đã có đơn hàng sản xuất trong quý II nhưng theo các DN, số đơn hàng này được ký kết vào thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay khi những biến động của thế giới và lạm phát chưa gay gắt. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng. Một số mặt hàng xuất khẩu khác, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.
Một DN trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại TP.Biên Hòa đang phải “chạy” từng ngày, từng giờ để xử lý đơn hàng bị đối tác ở Mỹ hủy hợp đồng. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm; ngoài việc phải tìm cách thanh lý lô hàng bị hủy, công ty còn phải tìm khách hàng để bù đắp vào phần thiếu hụt trong dài hạn, vì thế khó càng thêm khó.
Những biến động của thị trường ở thời điểm này đều có thể tác động đến DN. Lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, DN cần tính toán cẩn thận về đơn hàng và thường xuyên nắm bắt thông tin để việc bán hàng đạt hiệu quả cao nhất.
“Lạm phát gia tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu của chúng tôi kéo theo nhu cầu mua hàng của người dân ở đó giảm. Dự báo nếu tình hình không sớm ổn định, giá xăng dầu vẫn cao sẽ tiếp tục có thêm những khó khăn cho các DN xuất khẩu” - ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN HẢI, đại diện Công ty TNHH Đèn An Nam (TP.Biên Hòa) chia sẻ. |
Văn Gia