Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm khoảng 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, khi Hoa Kỳ xảy ra tình trạng lạm phát cao, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp (DN) giảm các đơn hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Đồng Nai.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm khoảng 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, khi Hoa Kỳ xảy ra tình trạng lạm phát cao, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp (DN) giảm các đơn hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Đồng Nai.
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và một số nước tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss thuộc Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang |
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng DN Đồng Nai đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều là giày dép; dệt may; sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép; cà phê.
* Lo đơn hàng giảm sút
Trong những tháng cuối năm, dự báo thị trường xuất khẩu của Đồng Nai cũng như cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với 2 quý đầu năm. Các đơn hàng đến từ đối tác Hoa Kỳ cũng như một số thị trường lớn khác có thể giảm do giá cả các vật tư đầu vào tiếp tục “leo thang”, hàng tồn kho lớn. Do đó, các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ trong các tháng cuối năm có thể bị cắt giảm số lượng hoặc tạm dừng.
Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Sản phẩm may mặc của Đồng Tiến đa số xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu nên những thị trường trên có biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của công ty. Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhiều DN Hoa Kỳ đã nhập khẩu một lượng hàng khá lớn để dự trữ, phòng dịch bệnh Covid-19 có thể tái làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do những tháng cuối năm lạm phát gia tăng, sức mua yếu, các DN nước này sẽ tập trung vào giải phóng hàng tồn kho nên các đơn hàng cho may mặc cũng như nhiều ngành hàng khác sẽ giảm”. Cũng theo ông Hoàng, Đồng Tiến chủ động tìm những đơn hàng từ những quốc gia khác để bù lại nhằm tiếp tục ổn định sản xuất, xuất khẩu.
Các tập đoàn bán lẻ lớn ở Hoa Kỳ như: Target, Walmart, Macy’s cho biết, hàng hóa tồn kho trong quý I-2022 tăng từ 17-45% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu nhìn vào tổng thể lượng hàng tồn kho hiện nay của các DN bán lẻ tại Hoa Kỳ vẫn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Hơn 2 năm qua, các tập đoàn bán lẻ lớn của Hoa Kỳ đã tăng lượng hàng dự trữ đối với một số sản phẩm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bằng cách đặt những đơn hàng lớn hơn để có đủ nguồn cung trên các kệ hàng. Đây cũng là lý do khiến lượng hàng tồn kho đến nay còn nhiều và các DN buộc phải giảm đơn hàng, tập trung vào khâu tiêu thụ vì có những sản phẩm bị giới hạn về thời gian sử dụng.
* Linh hoạt trong xuất khẩu
Theo dự báo của Bộ Công thương, trong gần 2 quý cuối năm, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn tiếp diễn như: giá cả vật tư đầu vào, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, kéo theo lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, nguy cơ đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại cũng sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới. Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của nhiều nước sẽ giảm và thấp hơn so với năm 2021, người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, theo đó, các nước sẽ giảm nhập khẩu hàng hóa. Các vấn đề trên sẽ tác động trực tiếp đến DN sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam.
Theo khảo sát gần đây của một số công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu thì hơn 80% người tiêu dùng Hoa Kỳ cho hay, sẽ giảm chi tiêu cho các sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới. Người tiêu dùng Hoa Kỳ thắt chặt chi tiêu, các DN bán lẻ hạn chế đặt hàng để đẩy bớt lượng hàng tồn kho sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường Hoa Kỳ. |
Mới đây, trong hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về tình hình phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý: “DN Việt Nam muốn duy trì được mức tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu thì phải nắm bắt thông tin từ các thị trường nhanh để có sự linh hoạt trong xây dựng, điều hành kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng giao thương với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nên ngoài một số thị trường chính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, DN có thể tìm hiểu mở rộng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác”.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có các hiệp định lớn như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, sản xuất, xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới sụt giảm mạnh, nhưng Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều nước trong khu vực là do tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do. Hiện vẫn còn nhiều thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định nhưng chưa được khai thác tốt, khó khăn ở thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ mở ra cơ hội mới với DN trong tìm kiếm các thị trường khác lâu nay còn bỏ ngỏ.
Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Hoa Kỳ, Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu chính của công ty trong những năm qua. Xảy ra dịch bệnh, sản lượng hàng hóa xuất khẩu vào hai thị trường trên giảm nên công ty đã tìm thêm khách hàng trong nước và những nước khác để bù lại. Do đó, sản xuất và doanh thu của công ty vẫn tương đối ổn định đảm bảo thu nhập cho người lao động”.
Các công sứ, tham tán thương mại ở các nước cho hay, họ sẵn sàng hỗ trợ DN thông tin chi tiết về các thị trường nước ngoài, đồng thời sẽ là cầu nối để các DN gặp gỡ liên hệ với DN các nước nhằm trao đổi, liên kết cung ứng hàng hóa cho nhau. Do đó, DN khi có nhu cầu tìm hiểu và muốn đưa hàng hóa vào nước nào có thể liên hệ với các đại sứ quán để được hỗ trợ.
Hương Giang