Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của tỉnh luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước. Đặc biệt, xây dựng NTM kiểu mẫu, mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân được nhiều địa phương đặt lên hàng đầu.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của tỉnh luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước. Đặc biệt, xây dựng NTM kiểu mẫu, mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân được nhiều địa phương đặt lên hàng đầu.
Xoài rớt giá khiến nông dân trồng xoài mất thu nhập. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên |
Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nông sản lại rớt giá, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
* Nông dân gặp khó trong việc nâng thu nhập
Xây dựng NTM mới, NTM nâng cao và kiểu mẫu, tiêu chí không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trong xây dựng NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng cao.
Cụ thể, Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Đồng Nai vào năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 64,3 triệu đồng/năm. Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đều đạt từ 66-69 triệu đồng/năm. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) đạt 68,7 triệu đồng vào năm 2021.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình lạm phát trên thế giới, nông dân đang rơi vào cảnh thua lỗ đồng loạt.
Ông Đoàn Minh Ngọc, chủ cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) xót xa bày tỏ, trước đây, nhiều nông dân trồng thanh long ruột đỏ thành tỷ phú vì đạt lợi nhuận “khủng”. Trái thanh long của Đồng Nai đã xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu nên cây trồng này luôn đứng ở tốp đầu các cây trồng cho thu nhập cao. Nhưng 2 năm trở lại đây, loại trái cây này bán ra với mức giá rất thấp, có thời điểm không bán được khiến nông dân thua lỗ nặng. Hiện nhiều nhà vườn đã chặt bỏ cây thanh long vì không còn vốn để duy trì sản xuất.
Đầu ra gặp khó cũng là nguyên nhân khiến nông dân trồng xoài trên địa bàn tỉnh đồng loạt chặt bỏ cây trồng này thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng xoài tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), trước đây thế mạnh của địa phương là cây xoài, có thời điểm phát triển được cả ngàn ha. Liên tục vài năm trở lại đây, giá xoài ở mức thấp, thậm chí nhiều nhà vườn bỏ không thu hoạch vì giá bán không đủ bù công hái. Nông dân trồng xoài đua nhau chặt bỏ vì càng để càng lỗ, đầu tư sang mô hình mới cũng không dễ vì thiếu vốn sản xuất.
* Thách thức lớn để hoàn thành mục tiêu
Xuân Lộc được chọn thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu của cả nước với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các tiêu chí NTM và đạt các đặc trưng kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội nông thôn yên bình, văn minh, giàu đẹp. Trong đó, mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập của người dân nông thôn được địa phương này đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, địa phương luôn chú trọng thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập của người dân. Theo đó, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 61,75 triệu đồng/năm và đã tăng lên hơn 66,5 triệu đồng vào năm 2020. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng lên mức khoảng 72 triệu đồng. Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025 sẽ đạt mức 83 triệu đồng/người. Đây là tiêu chí không dễ thực hiện trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo báo cáo của UBND H.Xuân Lộc, năm 2021, giá trị sản xuất bình quân của 1ha đất trồng trọt đạt 160,8 triệu đồng; nếu tính luôn cả ngành chăn nuôi, đạt 315 triệu đồng/ha; thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2020. Về sản xuất địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu của đề án Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá một số mặt hàng nông sản giảm thấp. Cụ thể, khảo sát của địa phương so với năm 2019, giá các loại trái cây tươi như: bưởi giảm 5,5 ngàn đồng/kg, thanh long giảm 14 ngàn đồng/kg, sầu riêng giảm 15 ngàn đồng/kg, tiêu giảm 10 ngàn đồng/kg, điều giảm 5 ngàn đồng/kg…
Theo phản ánh của nông dân tại các địa phương, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục kéo dài.
Giám đốc HTX Dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) Trần Quang chia sẻ, từ sau dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập của người nông dân giảm mạnh. Vụ thu hoạch vừa qua, giá bắp tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây nhưng nông dân trồng bắp đạt lợi nhuận thấp do vật tư đầu vào tăng cao hơn nhiều so với mức tăng các loại nông sản. Những trường hợp nông sản rớt giá, nông dân cầm chắc rơi vào cảnh thua lỗ.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chí thu nhập đặt ra cho vùng Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai, ở mức cao nhất so với mặt bằng chung của cả nước, từ 76 triệu đồng/người/năm trở lên. Trong khi đó, yêu cầu trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu phải đạt mức cao hơn so với các tiêu chí xã NTM nâng cao. Đây là một áp lực không nhỏ cho các địa phương trong triển khai thực hiện. |
Bình Nguyên