Giá xăng cao kỷ lục đẩy phí vận chuyển tăng. Điều này khiến cho nhiều dịch vụ giao hàng (ship), vận chuyển buộc phải tăng giá cước. Phí giao hàng của nhiều đơn vị vận chuyển tăng mạnh khiến cả người kinh doanh và người mua hàng gặp khó.
Giá xăng cao kỷ lục đẩy phí vận chuyển tăng. Điều này khiến cho nhiều dịch vụ giao hàng (ship), vận chuyển buộc phải tăng giá cước. Phí giao hàng của nhiều đơn vị vận chuyển tăng mạnh khiến cả người kinh doanh và người mua hàng gặp khó.
Giá xăng liên tục ở mức cao đã tác động đến các loại phí vận chuyển, giao hàng. Trong ảnh: Shipper giao đơn hàng thức uống cho một khách hàng ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà |
* Phí ship có khi cao gần bằng… giá trị đơn hàng
Nhiều người bán hàng và mua hàng cho biết, phí ship hàng hóa, thực phẩm trong thời gian qua tăng cao. Có nhiều trường hợp phí ship cao gần bằng giá trị đơn hàng vào một số thời điểm, nhất là vào những khung giờ cao điểm, ban đêm… Điều này khiến khách hàng và người mua đều khó xử.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, do công việc bận rộn nên thường xuyên mua hàng online để đỡ mất thời gian di chuyển, đồng thời hình thức mua hàng này còn tiện lợi, tiết kiệm nếu có mã giảm giá, ưu đãi. Nhưng thời gian gần đây, do giá xăng tăng cao nên phí ship đã tăng chóng mặt, không chỉ phí giao hàng thông thường mà phí vận chuyển trên các ứng dụng, sàn thương mại điện tử cũng tăng theo.
Bà Thùy Linh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, tuần qua bà có đặt một đơn hàng dầu gội đầu trên một sàn thương mại điện tử, tổng đơn hàng gần 250 ngàn đồng, vận chuyển từ Hà Nội. Trước đây, với những đơn hàng tương tự, phí vận chuyển thường dao động ở mức 20-25 ngàn đồng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm phí ship. Nhưng hiện nay, phí giao hàng đã tăng lên mức 40-45 ngàn đồng dù đã áp dụng mã khuyến mãi.
“Tình trạng phí ship hiện tại đôi khi còn cao hơn cả tiền hàng khách đặt. Một số cửa hàng kinh doanh online trước kia luôn trợ giá ship, miễn phí ship thì nay đồng loạt thông báo tăng giá, không hỗ trợ nữa. Do đó, hiện giờ muốn mua hàng hóa, thực phẩm gì tôi cũng phải đắn đo xem tiền ship là bao nhiêu, nếu phù hợp mới dám đặt hàng chứ không đặt thoải mái như trước” - bà Thùy Linh chia sẻ.
Ngoài ra, một số người bán hàng online trên mạng xã hội cũng thông báo tăng giá ship nội thành do hiện giờ tìm shipper rất khó, trả phí ship rẻ họ không nhận vì giá xăng tăng, không có lời.
Chị Huỳnh Thảo, bán đồ ăn online ở P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa), cho hay trong vài tháng gần đây, giá xăng tăng cao kỷ lục kéo theo phí giao hàng tăng. Lúc trước, tất cả đơn hàng ở khu vực nội thành chị đều nhờ một shipper tự do giao cho khách với mức đồng giá 20 ngàn đồng/đơn hàng, đặc biệt ở các phường gần nhà như: Tân Vạn, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, chị còn hỗ trợ miễn phí ship.
“Bán đồ ăn vặt không có lời nhiều nên tôi chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ phí ship cho khách, còn lại phí ship xa, gần tùy vào shipper tính. Có nhiều đơn hàng khách đặt bánh chỉ 40-50 ngàn đồng mà địa chỉ ở khu vực Trảng Dài, Hố Nai nên shipper báo giá ship 40 ngàn đồng - gần bằng giá trị của đơn hàng, tôi cũng thấy ái ngại nhưng không còn cách nào khác, vì hiện giờ vật giá leo thang, đồng lời buôn bán cũng ngày càng thu hẹp” - chị Thảo bộc bạch.
* Người tiêu dùng dè dặt đặt hàng
Phí “ship” hàng hóa, thực phẩm ở mức cao đã khiến cho nhu cầu mua sắm của người dân cũng vì thế mà bị hạn chế nhiều. Trong khi đó, nhiều shipper cố gắng gộp 2-3, thậm chí 4-5 đơn hàng cùng một tuyến đường để giảm bớt quãng đường di chuyển… Điều này khiến cho nhiều khách hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn để nhận được đơn hàng, nhất là các đơn hàng giao đồ ăn, thức uống.
Chị Nguyễn Bích Ngọc (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, là sinh viên nên thông thường vào dịp cuối tuần, học bài, ôn thi…, chị hay đặt đồ ăn, nước uống cho cả nhóm bạn 4 người, phí ship chỉ từ 15-20 ngàn đồng/đơn nội thành, nhưng bây giờ tăng lên 30-40 ngàn đồng, với những quán càng xa thì phí ship đội lên càng cao. Ngoài ra, nếu đặt vào khung giờ cao điểm từ 11-13 giờ, hay 17-19 giờ còn bị app tính thêm phụ phí.
“Ngày trước, các ứng dụng giao đồ ăn như: Shopee Food, Baemin, Loship còn thường xuyên tặng nhiều mã ưu đãi giảm giá, free ship, nhưng hiện tại chẳng mấy khi có, cho dù có áp mã giảm giá đi nữa thì phí vẫn cao hơn so với bình thường. Do vậy, hiện giờ nhóm của tôi phải tự thân vận động, nấu cơm ở nhà hoặc thay phiên nhau đi mua đồ ăn về để tiết kiệm phần nào chi phí” - chị Bích Ngọc chia sẻ.
Quản lý một chuỗi cửa hàng đồ uống ở TP.Biên Hòa cho biết, trước những tác động của giá cước vận tải tăng, nhiều ứng dụng đặt đồ ăn, thức uống đã tăng tỷ lệ chiết khấu thêm khoảng 5% lên mức từ 20-25%, do đó nguồn thu của quán đối với các đơn hàng online ít nhiều bị ảnh hưởng theo. Phí ship tăng cao thì người chịu bất lợi nhiều nhất vẫn chính là khách hàng, bởi để cân đối chi phí vận hành, các quán phải tăng giá bán để bù đắp các khoản phát sinh hoặc sẽ cắt giảm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu so với trước đây.
Anh TRƯƠNG MINH, shipper của một ứng dụng giao đồ ăn cho biết vì tiền vận chuyển tính theo số km nên dù đơn hàng có giá trị cao thì giá cước vận chuyển cũng không tăng cao được. Do đó, nếu giá xăng liên tục tăng thì đồng lời, thu nhập của các shipper như anh càng giảm. Hiện công ty chưa có phương án hỗ trợ chi phí vận hành mà tiền chiết khấu về app vẫn ở mức cao nên người giao hàng chỉ còn biết tích cực nhận đơn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Gần đây, nhiều đơn hàng khách thấy phí ship cao nên hủy đơn rất nhiều, từ đó lượng đơn ở xa giảm sút rõ, đa phần chỉ có các đơn nội thành với phí ship từ 10-15 ngàn đồng/đơn. Hiện tôi chỉ mong giá xăng dầu nhanh chóng giảm để có thể trụ lại với công việc này” - anh Minh nói. |
Hải Hà