Báo Đồng Nai điện tử
En

Để các dự án không bị đình trệ vì thiếu mặt bằng

07:07, 04/07/2022

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện ì ạch nên các nhà thầu không đủ mặt bằng để thi công khiến hàng loạt dự án bị chậm tiến độ, đặc biệt, có dự án không thể triển khai vì thiếu mặt bằng.

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện ì ạch nên các nhà thầu không đủ mặt bằng để thi công khiến hàng loạt dự án bị chậm tiến độ, đặc biệt, có dự án không thể triển khai vì thiếu mặt bằng.

Dự án hương lộ 2 bị chậm tiến độ do gặp những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phạm Tùng
Dự án hương lộ 2 bị chậm tiến độ do gặp những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phạm Tùng

* Dự án đình trệ vì giải phóng mặt bằng ì ạch

Dự án xây dựng hương lộ 2 (TP.Biên Hòa) được khởi công vào cuối năm 2020. Đến nay, dù đã được triển khai thi công hơn 1,5 năm nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa thể hoàn tất.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện nay, việc thi công dự án vẫn đang gặp khó khăn do phần mặt bằng thi công tuyến đường được bàn giao không liên tục, vướng xen kẽ nên nhà thầu rất khó tiếp cận công trường để thi công. Tương tự, đối với hạng mục xây dựng cầu An Hòa 2 cũng đang gặp vướng mắc đối với khu vực thi công đường đầu cầu và mố M2. Mặt bằng bàn giao chậm khiến cho dự án xây dựng hương lộ 2 hiện nay đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

UBND tỉnh sẽ giao UBND các địa phương chủ động ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất và chủ trì xây dựng các khu tái định cư.

Cũng bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng còn có dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến hương lộ 2. Dù diện tích phần mặt bằng còn lại chưa được bàn giao còn rất nhỏ (diện tích đất của 1 hộ dân ở phía thi công phần đường dẫn lên cầu trên địa bàn P.Tam Phước, TP.Biên Hòa), tuy nhiên, tiến độ của dự án lại có nguy cơ bị kéo dài thêm cả năm trời do đây là khu vực phải thực hiện chờ lún mới có thể thi công được.

Trong khi đó, dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan (TP.Biên Hòa) dù đã được ký hợp đồng xây lắp từ cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, thiếu mặt bằng là nguyên nhân khiến cho dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan vẫn chưa thể khởi công.

Đánh giá về các nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp, Sở KH-ĐT cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án cũng như tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.

* Đổi mới công tác giải phóng mặt bằng

Việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng được xem là một trong những bước đi quan trọng để tháo gỡ “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XI diễn ra vào ngày 7-4 vừa qua đã thống nhất kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và thành lập các ban quản lý dự án. Trong đó, có việc thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai. Việc thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai được thực hiện thí điểm trong 2 năm. Sau 2 năm, Ban TVTU sơ kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện để xem xét tính hiệu quả, khả thi theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện nay, Đồng Nai cũng đang xây dựng dự thảo quy định về tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Theo đánh giá, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể sẽ mang đến nhiều lợi thế, nhất là có thể đẩy nhanh được tiến độ của các dự án đầu tư công. Bởi, trước đây, khi nhập chung trong tổng thể dự án, thì chỉ khi dự án đầu tư được phê duyệt, các cơ quan chức năng mới có thể triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, với việc tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi tổng thể dự án thành một dự án riêng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể làm song song với quá trình phê duyệt dự án đầu tư. Như vậy, khi các dự án được phê duyệt đầu tư thì có thể có ngay mặt bằng sạch để triển khai thi công.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng sẽ có các cơ chế về đất đai, nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư phục vụ bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để triển khai các dự án.

Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC cho biết, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài chính, Sở KH-ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh có kế hoạch bố trí vốn kịp thời để đầu tư xây dựng các khu tái định cư. Trong đó, sẽ ưu tiên bố trí cho các địa bàn còn nhu cầu tái định cư lớn như TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch. Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư tại vị trí hợp lý, đồng bộ về hạ tầng, công trình phúc lợi và đảm bảo người dân được tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ tiện ích, phù hợp với từng dự án.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều