Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hoàn thiện pháp luật trước

07:07, 12/07/2022

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương những năm gần đây. Đây là xu hướng kinh tế tất yếu mà mọi quốc gia phải thực hiện để giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương những năm gần đây. Đây là xu hướng kinh tế tất yếu mà mọi quốc gia phải thực hiện để giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam không thể chậm trễ hơn bởi tài nguyên dần cạn kệt, nguồn lao động giá rẻ hết lợi thế, thiên tai, dịch bệnh. Thế nhưng, trên thực tế việc áp dụng các nội dung của KTTH lại đụng đâu vướng đó, đơn cử như: năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước thải, tái chế bao bì…

Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam tại KCN Amata đầu tư hệ thống lọc RO, nước thải qua hệ thống này đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp nhưng không thể đem tưới cây xanh vì quy định tái sử dụng nước thải tưới cây của Bộ NN-PTNT hết hiệu lực từ năm 2020 và chưa có quy định mới. Rất nhiều KCN đang muốn thu hút ngành nghề năng lượng tái tạo nhưng thủ tục môi trường mỗi bộ, ngành, địa phương hướng dẫn một kiểu, nhà đầu tư không dám làm. Không ít doanh nghiệp chấp nhận thực hiện nghĩa vụ tài chính thay vì tái chế bao bì, bởi phải đầu tư máy móc, nhân công và xin đủ loại giấy phép chỉ để tái chế 15-20% bao bì và loại bao bì nào buộc phải tái chế vẫn còn bàn thảo.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, KTTH đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là giá đất sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi tăng phi mã; khí thải và rác thải ngày càng nhiều. Chất lượng nguồn nước, không khí chưa đạt tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ. Sản phẩm giữa hữu cơ và sản phẩm thường chưa có sự chênh lệch nhiều về giá.

KTTH là tất yếu nhưng không thể một sớm một chiều mà phải từ nhận thức đến hành động. Quy định, hướng dẫn thực hiện phải cụ thể, nhất quán; tiêu chí, lộ trình phải phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp mới đầu tư con người, công nghệ, máy móc thực hiện. Đến một lúc nào đó, phải thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn bằng các chính sách như: giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và các loại phí; cấp chứng nhận chứng chỉ xanh cho sản phẩm, dự án KTTH nhằm tạo ra sự khác biệt; sử dụng vốn đầu tư công cho hạ tầng KTTH.

Sử dụng công nghệ, máy móc để cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, gia tăng lợi nhuận là vấn đề mọi nhà đầu tư hướng đến. Nhưng để nhà đầu tư tham gia vào quá trình xây dựng và chuyển đổi sang mô hình KTTH, thực hiện trách nhiệm mở rộng cần hoàn thiện pháp luật trước, cần có hạ tầng, công nghệ để thực hiện. Tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái chế để kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm tác động xấu đến môi trường, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích