Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá thực phẩm tăng mạnh

08:05, 26/05/2022

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ hạng I, hạng II trên địa bàn TP.Biên Hòa, từ cuối tháng 4-2022 đến nay, khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải tiếp tục ở mức cao khiến cho nhiều mặt hàng thực phẩm như: gạo, rau củ quả, thủy hải sản, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền… hình thành mặt bằng giá mới cao hơn so với trước đây.

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ hạng I, hạng II trên địa bàn TP.Biên Hòa, từ cuối tháng 4-2022 đến nay, khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải tiếp tục ở mức cao khiến cho nhiều mặt hàng thực phẩm như: gạo, rau củ quả, thủy hải sản, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền… hình thành mặt bằng giá mới cao hơn so với trước đây.

Theo nhiều tiểu thương, các loại dầu ăn hiện đang là mặt hàng có nhiều biến động về giá do chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí về xăng dầu, cước vận tải tăng cao trong thời gian qua. Trong ảnh: Một sạp hàng dầu ăn, nước chấm tại chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Theo nhiều tiểu thương, các loại dầu ăn hiện đang là mặt hàng có nhiều biến động về giá do chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí về xăng dầu, cước vận tải tăng cao trong thời gian qua. Trong ảnh: Một sạp hàng dầu ăn, nước chấm tại chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

* Thiết lập mặt bằng giá mới

Bà Nguyễn Mai Ni, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian gần đây, giá nhiều loại thực phẩm, gia vị tăng cao so với đầu năm nay. Đặc biệt, giá dầu ăn các loại tăng khoảng 25-30% so với đầu năm nay và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Hiện các loại dầu ăn thông dụng tăng từ 32-34 ngàn đồng lên mức 42-46 ngàn đồng/chai 1 lít, từ khoảng 150 ngàn đồng lên mức 230 ngàn đồng/bình 5 lít. Tương tự, các loại nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền… cũng tăng khoảng 25% so với đầu năm nay. Các loại sản phẩm có khối lượng, dung tích càng lớn thì sẽ có biến động về giá càng cao.

Ông Trịnh Văn Ngãi, chủ một sạp kinh doanh các loại thực phẩm, gia vị ở chợ Biên Hòa cho hay, giá dầu ăn thời gian qua tăng 4-8 ngàn đồng/lít so với cuối năm ngoái, các loại nước mắm cũng tăng từ 2-4 ngàn đồng/chai các loại, bột ngọt tăng khoảng 7 ngàn/kg. Các loại đường tăng khoảng 1-2 ngàn đồng/kg, hiện ở mức từ 20-28 ngàn đồng/kg; mì ăn liền tăng khoảng 7-10 ngàn/thùng, vào khoảng
82-105 ngàn đồng/thùng tùy loại.

Không chỉ các loại dầu ăn, gia vị, thực phẩm khô… tăng giá mạnh, nhiều loại thực phẩm như: gạo, thủy hải sản, rau củ quả… cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới từ đầu tháng 5 đến nay.

Theo chị Nguyễn Thị Xuân, chủ một sạp gạo ở chợ Biên Hòa, giá nhiều loại gạo đã bắt đầu tăng hơn 1 tuần trở lại đây. Trong đó, các loại gạo đặc sản ST tăng cao nhất, khoảng 2-3 ngàn đồng/kg so với trước đó, giá gạo ST25 hiện vào khoảng 27-28 ngàn đồng/kg. Tương tự, nhiều loại gạo khác cũng tăng từ 1-2 ngàn đồng/kg như: gạo thơm Đài Loan loại 1 hiện có giá khoảng 18-20 ngàn đồng, thơm sữa Đài Loan 22 ngàn đồng/kg, gạo thơm thường vào khoảng 15-16 ngàn đồng/kg, gạo nếp từ 18-30 ngàn đồng/kg tùy loại, gạo lứt 13 ngàn đồng/kg, lứt đỏ 25 ngàn đồng/kg, ngay cả các loại cám cũng tăng lên mức 13 ngàn đồng/kg…

* Nguồn cung biến động

Tại các chợ hạng I ở TP.Biên Hòa, theo nhiều tiểu thương, giá các loại thủy hải sản cũng tăng từ 5-10 ngàn đồng/kg tùy loại khi giá xăng liên tục ở mức cao. Trong đó, tôm sú khoảng 350 ngàn đồng/kg, tôm thẻ 210 ngàn đồng/kg, mực 230-300 ngàn đồng/kg, cá diêu hồng, cá lóc từ 60-65 ngàn đồng/kg, cá bông lau khoảng 70 ngàn đồng/kg…

Các loại rau củ quả cũng liên tục cập nhật giá mới trong những ngày qua. Trong đó, hành lá tăng cao hiện ở mức 30 ngàn đồng/kg, hành tây 27-28 ngàn đồng/kg, cà chua 15 ngàn đồng/kg, dưa leo 20 ngàn đồng/kg, khoai tây 25-30 ngàn đồng/kg, cà rốt 25 ngàn đồng/kg, bắp cải 15-20 ngàn đồng/kg, rau thơm các loại 30 ngàn đồng/kg…

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 10 lần xăng tăng giá. Trong đó, ở lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng đã có lần tăng thứ 4 liên tiếp, vượt mức 30 ngàn đồng/lít, qua đó tiếp tục lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Khi giá các loại xăng, dầu tăng sẽ gây ra nhiều tác động tới đời sống thị trường, kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là các loại thực phẩm tăng giá theo.

Bà Trần Thị Lý, chủ một sạp rau ở chợ Tân Hiệp cho biết, giá các loại rau xanh tăng khá cao trong những ngày gần đây, nhất là các loại hành lá, hành tây, rau thơm các loại… Giá rau tăng một phần vì giá xăng dầu tăng, phần khác vì bắt đầu vào mùa mưa, nguồn cung rau bị ảnh hưởng khiến cho giá nhiều loại rau xanh biến động theo.

Ông Trịnh Văn Ngãi cho biết thêm, nguyên nhân giá các loại thực phẩm, dầu ăn, gia vị tăng trong thời gian qua là do thị trường bị khan hiếm nguồn cung, trong khi giá cước vận tải tăng theo giá nhiên liệu khiến cho chi phí về hàng hóa tăng…

Theo đại diện nhiều siêu thị, các loại thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, nhất là khi giá các loại nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua…

Hàng loạt mặt hàng tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, mỗi lần đi chợ, người tiêu dùng phải “cân đo đong đếm” cẩn thận để thắt chặt chi tiêu gia đình.

Chị Kim Phụng (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, sau dịch Covid-19 thì công việc của chị cũng bị ảnh hưởng. Một số khoản lương, thưởng bị cắt giảm nhưng các chi phí sinh hoạt thì không ngừng tăng cao. “Giá các loại gia vị như dầu ăn, đường, bột ngọt tăng mạnh nhất, rau củ quả, trứng, thịt cá cũng liên tục biến động theo chiều hướng tăng từ 10-15%. Do đó, không cách nào khác, tôi buộc lòng phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu” - chị Phụng chia sẻ.

Hải Quân

Tin xem nhiều