Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp giảm nhập khẩu nguyên liệu

03:05, 25/05/2022

Trong gần 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng khá cao nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất chỉ tăng nhẹ, nên Đồng Nai có xuất siêu cao. Nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu chậm lại là do doanh nghiệp (DN) tăng tìm nguồn cung đầu vào trong nước.

Trong gần 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng khá cao nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất chỉ tăng nhẹ, nên Đồng Nai có xuất siêu cao. Nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu chậm lại là do doanh nghiệp (DN) tăng tìm nguồn cung đầu vào trong nước.

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch)
Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch)

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong gần 5 tháng đầu năm 2022 đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hơn 8 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, cán cân thương mại đã nghiêng về phía tỉnh, xuất siêu khoảng 2,87 tỷ USD.

* Thay thế bằng nguồn cung trong nước

Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, tiếp đến là xung đột Nga - Ukraine đã khiến cho sản xuất tại nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi sản xuất trên toàn cầu bị ngưng trệ do nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa đội lên gấp 3-7 lần so với đầu năm 2020; công lao động và những chi phí khác cũng tăng cao dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt leo thang. DN buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, tăng tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để giảm chi phí vận chuyển và chủ động hơn trong sản xuất.

Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (ở Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) Lê Xuân Tân cho biết: “Trong hơn 2 năm qua, nguyên liệu gỗ nhập khẩu về liên tục tăng và từ đầu năm đến nay, xung đột Nga - Ukraine khiến cho nguồn cung gỗ bị khan hiếm. Công ty đã khắc phục những khó khăn trên bằng cách đàm phán với khách hàng thay đổi loại gỗ mà trong nước có sẵn để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu đúng thời hạn. Nhiều khách hàng đồng ý nên công ty đã tăng mua nguyên liệu trong nước và hạn chế nhập khẩu”.

Tìm hiểu tại nhiều DN thuộc ngành khác trên địa bàn Đồng Nai như: dệt may, giày dép, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng, xơ sợi dệt, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử... thì được biết, các DN đều có kế hoạch tìm đối tác cung ứng nguyên liệu đầu vào tại thị trường nội địa.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (ở Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại nhãn cho mặt hàng giày dép, túi xách, dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu. Trước đây, nguyên liệu để sản xuất được Junmay nhập khẩu từ nhiều nước, nhưng từ năm 2020 đến nay, công ty mở rộng tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế và chỉ nhập những nguyên liệu Việt Nam không có”.

* Cơ hội cho nhiều DN

Trong sản xuất công nghiệp, các nhà máy tăng tìm nguồn nguyên liệu trong nước sẽ là cơ hội tốt cho DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể đầu tư mở rộng sản xuất, tăng công suất. Ngoài ra, DN tại Việt Nam có thể từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), cho hay: “Vinastar sản xuất các linh kiện máy móc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn 2 năm nay, ngoài xuất khẩu, công ty mở rộng thị phần trong nước vì nhiều DN Việt, DN nước ngoài tại Việt Nam đã tìm đến đặt hàng với số lượng lớn, đầu ra của công ty khá thuận lợi”.

Nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nếu đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh thì rất dễ tìm được đối tác mua hàng. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, các tập đoàn lớn trên thế giới đã cùng nhau sắp xếp lại chuỗi sản xuất trên thế giới để không tập trung quá nhiều ở một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ… Các nước trong khối ASEAN là nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn tăng các đơn hàng để cung ứng cho chuỗi sản xuất toàn cầu. Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn nhiều vì có chính trị ổn định, khống chế dịch bệnh kịp thời, Chính phủ thường xuyên ban hành những chính sách mới tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Ông Ken- Ichiro Abe, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, nhận xét khoảng 5 năm trở lại đây, DN Nhật Bản liên tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Lĩnh vực DN Nhật Bản đầu tư nhiều là sản xuất công nghiệp và chủ yếu ngành công nghiệp hỗ trợ, hầu hết có công nghệ hiện đại nên đầu ra được nhiều nhà máy ở Việt Nam đặt hàng. Có nhiều DN sau một thời gian hoạt động đã liên tục mở rộng thêm dây chuyền sản xuất để có đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng.

Nguồn cung trong nước có sẵn nên nhiều ngành hàng đã giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhưng xuất khẩu vẫn tăng cao. Đơn cử như: ngành giày dép của Đồng Nai xuất khẩu tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nhập nguyên liệu về chỉ tăng hơn 2%; dệt may xuất khẩu tăng gần 13%, nguyên liệu nhập về để sản xuất chỉ tăng gần 2%... Điều này chứng tỏ nguồn cung nguyên liệu trong nước ngày càng được cải thiện về chất lượng, số lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhiều DN.

Hương Giang

Tin xem nhiều