Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, người tiêu dùng dần quen với việc mua sắm online. Ngoài ra, tình hình thị trường liên tục có những biến động vì "bão giá" từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, người tiêu dùng dần quen với việc mua sắm online. Ngoài ra, tình hình thị trường liên tục có những biến động vì “bão giá” từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Nhiều sạp hàng quần áo, giày dép… tại chợ Biên Hòa vắng khách trong thời gian qua. Trong ảnh: Một tiểu thương bán giày dép tại chợ Biên Hòa đang sắp xếp lại gian hàng, chờ khách mua. Ảnh: L.Phương |
Những điều này khiến cho nhiều sạp, quầy hàng tại các chợ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là các sạp hàng về quần áo, giày dép… thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí do thua lỗ, nhiều tiểu thương đã bỏ sạp, sang nhượng lại sạp…
* Sức mua giảm mạnh
Đại diện nhiều ban quản lý chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn tỉnh cho biết, từ sau Tết Nhâm Dần đến nay, sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều, nhất là sau khi giá các loại xăng, dầu liên tục ở mức cao, mặt bằng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Theo ông Phạm Đức Nam, Trưởng ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành), từ sau Tết đến nay, sức mua tại chợ đạt khoảng 70% so với thời điểm vào cuối năm ngoái, tập trung nhiều vào các gian hàng thực phẩm, nông sản…
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp tới những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ. Nhiều tiểu thương kinh doanh các sản phẩm thời trang như: quần áo, vải vóc, giày dép… tại các chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình kinh doanh khá phập phồng, nhiều sạp thường xuyên trong tình trạng ế khách.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, chủ một sạp bán giày dép ở chợ Biên Hòa cho hay, từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tình hình kinh doanh của sạp gặp nhiều khó khăn, nhất là từ sau Tết đến nay sức mua giảm nhiều, nếu như trước đây được 10 phần thì nay khách mua chỉ đạt 2 phần, có những ngày từ sáng tới tối chỉ có lác đác vài khách ghé xem.
“Các sạp hàng về giày dép, quần áo lại ở trên tầng lầu, cầu thang khá cao nên người dân cũng ngại lên. Hơn thế nữa, xu hướng mua hàng online phát triển mạnh trong thời gian qua khiến cho các sạp hàng về thời trang nhỏ lẻ ở các chợ rất khó để cạnh tranh. Giờ mong muốn của tôi là được giảm một số chi phí về tiền hoa chi để giảm bớt phần nào khó khăn trong giai đoạn hiện nay” - bà Liên chia sẻ thêm.
Tương tự, chị Thu Nhi, chủ một sạp bán quần áo ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, tình hình kinh doanh từ sau Tết đến nay gặp nhiều khó khăn, nhất là khi vật giá leo thang, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn khiến sức mua giảm mạnh, gian hàng trở nên ế ẩm hơn nhiều…
* Cố gắng cầm cự
Do tình hình kinh doanh khó khăn nên một số sạp hàng cố gắng cầm cự hoặc kết hợp thêm kinh doanh online nhằm cải thiện doanh thu và chờ đợi những tín hiệu tích cực của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ một sạp vải ở chợ Biên Hòa chia sẻ, trước tình hình ế khách, sức mua chỉ đạt khoảng 1/3 so với trước dịch, ngoài bán trực tiếp tại sạp, bà còn kết nối bán hàng thêm thông qua kênh mạng xã hội như Zalo để thu hút khách hàng, cải thiện doanh thu. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Một số tiểu thương bỏ sạp vì ế ẩm Do sức mua thấp, cũng như không thể gồng gánh nổi các chi phí liên quan nên nhiều tiểu thương đã bỏ sạp, sang nhượng lại sạp hoặc chuyển về nhà riêng để kinh doanh. Bà Phạm Thị Nguyệt, tiểu thương bán thịt heo ở chợ nhỏ P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, bà đã kinh doanh ở chợ được gần 20 năm nhưng từ sau những tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh doanh rất chậm, sạp hàng của bà thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm. Tuy thịt heo là mặt hàng thiết yếu nhưng từ sau Tết, chợ vắng khách, tiền vốn bỏ ra hằng ngày không có lãi khiến bà quyết định ngừng buôn bán, ở nhà phụ giúp gia đình kinh doanh nghề khác. “Tình hình kinh tế khó khăn, một phần do khách thắt chặt chi tiêu, thêm nữa là khách hàng đã quen chọn mua thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm kinh doanh tự phát sao cho thuận tiện nhất nên các quầy, sạp hàng truyền thống không thể cạnh tranh lại. Vốn buôn bán tại chợ nhỏ đã lâu, lấy công làm lời nhưng giờ bỏ công thức khuya dậy sớm cũng không có lời nên không chỉ tôi mà các tiểu thương xung quanh cũng lần lượt nghỉ bán, bỏ sạp” - bà Nguyệt chia sẻ. |
Ông Nguyễn Mai, chủ sạp giày dép ở chợ Tân Hiệp bày tỏ: “Tôi bán hàng ở chợ được hơn 20 năm nay nhưng chưa khi nào thấy chợ ế ẩm như giai đoạn gần đây. May là sạp hàng của tôi là sạp nhà, không phải tốn tiền thuê nên tôi cũng cố gắng cầm cự. Tuy nhiên, sức mua ngày càng giảm mạnh khiến cho hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Do đó, tôi mong muốn có các chính sách hỗ trợ về thuế, hoa chi để cho tiểu thương giảm bớt phần nào khó khăn”.
Một số tiểu thương bày tỏ ý kiến nên bố trí, sắp xếp lại các tiểu thương còn “trụ lại” được thành các khu bán hàng tập trung ở vị trí dễ nhìn, thuận tiện để thu hút khách hàng; bởi thực tế tại nhiều chợ, đối với một số sạp hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách…, các tiểu thương đã nghỉ bán hoặc chuyển nhượng sạp.
Ông Võ Văn Phi, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa cho hay, từ sau Tết đến nay, sức mua tại chợ giảm khá nhiều, thường chỉ tập trung vào dịp cuối tuần, còn những ngày trong tuần chợ khá vắng. Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh giày dép, quần áo, vải vóc, túi xách… ở tầng lầu của lồng chợ, do tình hình kinh doanh ế ẩm, nhiều sạp hàng đã nghỉ bán, hiện chỉ còn khoảng 50% số lượng sạp trong khu vực còn hoạt động kinh doanh, trong đó có nhiều sạp hoạt động cầm chừng “ngày bán, ngày nghỉ”. Ban quản lý chợ cũng động viên các tiểu thương cố gắng duy trì kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với ý kiến về việc phân bổ, bố trí lại khu vực kinh doanh của các tiểu thương trên tầng lầu của lồng chợ, hiện khó có thể triển khai được vì các sạp kinh doanh đều có hợp đồng kinh doanh còn thời hạn. Do đó, các tiểu thương có thể thương lượng với nhau về việc thuê lại sạp hoặc chuyển nhượng lại mặt bằng khi không có nhu cầu kinh doanh nữa để có thể có được vị trí, mặt bằng kinh doanh phù hợp…
Lam Phương