Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, tập trung, thu hút khoảng 630 ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, hàng triệu tấn hàng hóa được vận chuyển lưu thông hằng ngày nên nhiều tuyến đường kết nối với KCN đã bị quá tải.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, tập trung ở khu vực TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Các KCN thu hút khoảng 630 ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, hàng triệu tấn hàng hóa được vận chuyển lưu thông hằng ngày nên nhiều tuyến đường kết nối với KCN đã bị quá tải.
Đường 25B kết nối với nhiều khu công nghiệp thường xuyên bị quá tải. Ảnh: K.Minh |
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) trong các KCN ở Đồng Nai, những tuyến đường kết nối với KCN thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe là Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa); tỉnh lộ 767 đoạn từ KCN Sông Mây ra ngã ba Trị An (H.Trảng Bom); đường 25B…
* Vận chuyển hàng hóa mất nhiều thời gian
Từ 4 năm trước, các DN trong các KCN Sông Mây (H.Trảng Bom), KCN Loteco, Agtex-Long Bình, Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), KCN Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5 (H.Nhơn Trạch)… đã thường xuyên lên tiếng về việc những tuyến đường kết nối vào KCN bị quá tải. Vì thế, hàng hóa của DN vận chuyển ra, vào nhà máy mất rất nhiều thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh.
Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở KCN Sông Mây chia sẻ: “Tuyến đường từ ngã ba Trị An vào đến KCN Sông Mây thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào thời điểm công nhân đến nhà máy hoặc tan ca. Đoạn đường này nếu không quá tải xe ô tô vận chuyển hàng hóa chỉ mất gần 10 phút, nhưng có hôm kẹt xe mất hơn 1 tiếng. Công ty của tôi thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa ra vào nên rất mong tỉnh sớm mở rộng đoạn đường này để tạo điều kiện thuận lợi cho DN”. Nhiều năm qua, DN trong KCN Sông Mây đã thường xuyên đề xuất UBND tỉnh có phương án mở rộng đoạn đường trên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tương tự, tuyến đường Bùi Văn Hòa ngày càng xuống cấp và thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm sáng, trưa, chiều vì hàng trăm nhà máy trong KCN Biên Hòa 2, Loteco, Agtex-Long Bình phải chở nguyên liệu vào nhà máy để sản xuất và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Vào giờ cao điểm, xe đi vào tuyến đường này nhích từng chút, có khi mất 1-2 tiếng mới ra khỏi.
Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Koyu & Unitex (KCN Loteco, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tuyến đường Bùi Văn Hòa đã quá tải nhiều năm, các DN nhiều lần kiến nghị với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đề xuất với tỉnh mở rộng nhưng mãi vẫn chưa triển khai. Vào giờ cao điểm, tuyến đường này bị kẹt xe kéo dài, đi lại rất khó khăn”.
* Ưu tiên mở rộng các tuyến đường
DN trong các KCN trên cho rằng, nếu UBND tỉnh không tiến hành mở rộng những tuyến đường kết nối với KCN trên thì tình trạng quá tải ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp diễn, những DN có ý định mở rộng sản xuất sẽ phải tính toán lại và có thể sẽ tìm vị trí khác thuận lợi hơn để đầu tư.
Khoảng 4 năm trở lại đây, các công ty trong KCN trên địa bàn tỉnh đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 25-25,5 ngàn tỷ đồng/năm. Do đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tốt sẽ giúp DN phát triển, sẽ tăng được đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai hơn 430 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD và đứng đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Hầu hết DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Hiện nhiều DN Hàn Quốc muốn đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào Đồng Nai nhưng bị hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, giao thương giữa 2 nước trở lại bình thường, các DN Hàn Quốc sẽ đến tỉnh đầu tư. Những công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở Đồng Nai cũng mong tỉnh mở rộng các tuyến đường vào KCN để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm kẹt xe.
Tại H.Nhơn Trạch, tuyến đường 25B dù mới được mở rộng so với trước đây nhưng hiện đã quá tải vì lượng xe ra vào nhiều. Đây là tuyến đường chính kết nối 6 KCN ra quốc lộ 51. Hiện nhiều dự án đầu tư mới và dự án mở rộng sản xuất trong các KCN Nhơn Trạch 3, 5, 6… đã hoàn thành và đi vào hoạt động nên tình trạng kẹt xe trên tuyến đường 25B sẽ gia tăng.
Chị Huỳnh Thanh Thảo, công nhân trong Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch 5 cho biết: “Gia đình tôi ở xã Long An (H.Long Thành) nên thường xuyên phải lưu thông trên tuyến đường 25B. Vào buổi sáng, trưa, chiều, đường 25B đều chật cứng người, xe ô tô đi lại. Có hôm tôi mất gần 1 tiếng để đi qua đoạn đường chỉ gần 2km này”.
Tuyến đường 25B mở rộng sẽ thuận lợi hơn so với những tuyến đường khác vì đã có sẵn mặt bằng, không phải thu hồi đất. Vì vậy, tỉnh có vốn để đầu tư mở rộng tuyến đường trên thì trong vài tháng có thể xây dựng xong.
Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển trước Bình Dương (so về lợi thế địa lý, về giao thông tỉnh hơn hẳn), nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn trong nước vào các KCN của tỉnh đều thấp hơn. Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, nhưng tựu trung lại muốn thu hút được nhiều DN đầu tư vào tỉnh thì Đồng Nai phải có sẵn hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, trong đó bao gồm giao thông.
Khánh Minh