Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 10 mỏ khai thác khoáng sản (KTKS) đã đóng cửa, ngưng hoạt động với nhiều hố sâu dựng đứng rợn người đến cả trăm mét. Theo quy định, các mỏ này phải phục hồi, cải tạo môi trường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất có lợi cho người dân.
Bài 2: Làm gì khi khai thác đá xong?
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 10 mỏ khai thác khoáng sản (KTKS) đã đóng cửa, ngưng hoạt động với nhiều hố sâu dựng đứng rợn người đến cả trăm mét. Theo quy định, các mỏ này phải phục hồi, cải tạo môi trường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất có lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc phục hồi môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các mỏ đá đóng cửa trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện.
Khai thác đá tại cụm mỏ Phước Tân - Tam Phước. Ảnh: H.Lộc |
[links()]Nhiều năm nay, Đồng Nai có chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch ở các mỏ khoáng sản đã đóng cửa nhưng vẫn chưa có đơn vị nào đăng ký thực hiện dự án.
* Không thể mãi là vùng “đất chết”
Theo Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29-3-2013, chủ đầu tư phải đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật...) tại khu vực KTKS và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp làm được điều này. Ở Đồng Nai cũng vậy, hậu khai thác đá là những hố nước sâu từ 60-100m, vách cao thẳng đứng. Nếu có cải tạo, phục hồi môi trường cũng chỉ là rào chắn sơ sài, trồng ít cây xanh xung quanh các mỏ đã đóng cửa.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT), cho rằng các núi đá ở miền Bắc, miền Trung khai thác xong rất dễ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dễ thu hút nhà đầu tư vì khai thác hết phần cao độ thì núi đá trở lại mặt phẳng bình thường. Nhưng các mỏ đá ở Đồng Nai thì khác, 100% là mỏ chìm, phải khai thác từ -40m đến -80m mới đạt trữ lượng, hậu khai thác địa hình hố sâu, không có khả năng hoàn thổ. Do vậy, các mỏ đá thực hiện phương án cải tạo để lại dạng hố mỏ sâu sử dụng mục đích chứa nước, lập các hạng mục hàng rào, trồng cây, biển cảnh báo, ngăn ngừa người và súc vật.
Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai đang quản lý tiền đóng quỹ của hơn 30 mỏ KTKS. Theo quy định, các mỏ sau khi ngừng khai thác phải tiến hành phục hồi môi trường. Phục hồi xong thì hội đồng nghiệm thu của tỉnh đi thẩm định, nếu đạt yêu cầu sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ, có quyết định của UBND tỉnh thì doanh nghiệp mới được nhận lại số tiền này. Trường hợp chủ đầu tư không phục hồi, ngưng khai thác giữa chừng Quỹ sẽ lấy tiền doanh nghiệp đã đóng để phục hồi môi trường. Cũng theo bà Nhung, 5 năm qua, chưa có mỏ nào hoàn thành thủ tục này. Chỉ một số mỏ nhỏ, thăm dò không có khoáng sản hoặc không thỏa thuận được mặt bằng mới làm thủ tục lấy lại tiền ký quỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoàn nguyên môi trường ở các mỏ khoáng sản là điều rất khó. Tuy nhiên, không thể vì thế mà để nơi đây thành vùng “đất chết”. Đồng Nai không chỉ có vài mỏ mà quy hoạch hơn 40 mỏ với tổng diện tích 1,4 ngàn ha, tương đương diện tích 3-5 khu công nghiệp cộng lại.
Các mỏ khai thác đá khoáng sản tạm dừng hoạt động vì hết hiệu lực Nguồn: Sở TN-MT (Thông tin: HOÀNG LỘC - Đồ họa: HẢI QUÂN) |
Một số chuyên gia về môi trường lưu ý, ở Đồng Nai, các mỏ đá thường nằm sâu dưới đất nên khi quy hoạch khoáng sản cần thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm tính toán kỹ trữ lượng, độ sâu để sau khi các mỏ đóng cửa có thể cải tạo thành các hồ chứa nước sinh hoạt, sản xuất cho các vùng xung quanh. Bên cạnh đó, cũng có thể quy hoạch chi tiết các mỏ khai thác xong có thể đầu tư thành khu du lịch. Với giải pháp đó, tỉnh sẽ không bỏ phí đất đai sau KTKS.
* Khó tận dụng để phát triển du lịch sinh thái
Nhiều năm nay, Đồng Nai có chủ trương thu hút đầu tư phát triển du lịch hồ sinh thái vào các mỏ hậu khai thác đá. Tuy nhiên, hiện chỉ có mỏ đá Bửu Long thuộc P.Bửu Long làm được điều này. Các mỏ khác vẫn “ngóng” nhà đầu tư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí cải tạo, phục hồi môi trường quá lớn.
Ông Ngô Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, cho biết trung tâm được giao quản lý, khai thác 6 mỏ đá đã đóng cửa tại TP.Biên Hòa với diện tích gần 100ha. Trung tâm cũng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương quy hoạch và thu hút đầu tư dự án du lịch, điện mặt trời vào các khu mỏ đá đã đóng cửa và đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu thực địa với dự tính đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi đi tìm hiểu thực tế và tính toán tổng mức đầu tư, các doanh nghiệp đều rút lui vì vốn thực hiện dự án quá lớn. Việc quản lý các mỏ đá đã đóng cửa rất khó khăn vì có tình trạng đổ trộm rác thải, trung tâm phải kết hợp với các phường nơi có mỏ đá tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ trộm rác nên mới hạn chế được.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, trên địa bàn huyện có mỏ đá Hang Nai diện tích 11ha tại xã Phước An đóng cửa năm 2011. Sau đó, năm 2015, công ty xin gia hạn thêm 1 năm. Khi đóng cửa, doanh nghiệp đã làm các thủ tục về môi trường như: xây tường bao, trồng cây xanh để hạn chế người dân và vật nuôi vào bị đuối nước. Trong quy hoạch sử dụng đất của huyện 5 năm tới, khu vực này được giữ nguyên hiện trạng là đất cây xanh, mặt nước. “Khu vực này rất khó cải tạo để làm điểm du lịch vì chỉ có mỗi cái hồ, không có cảnh quan, không có dân cư. Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, thu hút dự án khu dân cư lân cận kết hợp hồ nước sinh thái” - ông Thành cho hay.
Mỏ đá Hang Dơi ở H.Định Quán sau đóng cửa trở thành điểm trú ngụ của loài dơi. Trong quy hoạch phát triển du lịch huyện, Hang Dơi là điểm trekking dành cho những người thích du lịch trải nghiệm, mạo hiểm. Tuy nhiên, do việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ít cảnh quan nên không thu hút được nhiều du khách đến. Thi thoảng mới có đoàn du khách nước ngoài, sinh viên chuyên ngành địa chất khoáng sản hoặc các nhà khoa học đến tìm hiểu, khám phá và tham quan.
Ông Phạm Hữu Nghĩa cho rằng, trong số mỏ đá đã đóng cửa, một số được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý và thu hút đầu tư, một số mỏ Sở TN-MT quản lý đất đai và môi trường. Theo ông Nghĩa, việc quản lý môi trường ở các mỏ đá đã kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ đã khó, kêu gọi và triển khai xây dựng các dự án đầu tư càng khó hơn. Dự án đầu tư mới phải đảm bảo an toàn và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Không thể ngày một, ngày hai gọi được dự án.
Theo số liệu của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 5 mỏ KTKS đang tạm dừng hoạt động vì hết hiệu lực là: mỏ đá Soklu 4 (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất); mỏ VLSL Phú Thanh (xã Phú Thanh, H.Tân Phú); mỏ đá Trảng Bom 1 (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom); mỏ đá ốp lát Núi đá Đội 1 (xã Gia Canh, H.Định Quán); mỏ đá ốp lát Hang Dơi (xã Gia Canh, H.Định Quán). Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 16 quyết định đóng cửa mỏ. Trong đó có các mỏ lớn: Tân Vạn, Tân Bản 1, Tân Bản 2, Hóa An 1, Hang Nai... |
Hoàng Lộc - Hương Giang - Vi Lâm
Bài cuối: Không để doanh nghiệp “đánh trống bỏ dùi”.