Khu công nghiệp (KCN) Amata (TP.Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu. Sau khi hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là KCN sinh thái, mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả nước.
Khu công nghiệp (KCN) Amata (TP.Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu. Sau khi hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là KCN sinh thái, mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả nước.
Công ty TNHH Việt Nam NOK ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng các tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Hương Giang |
Theo Bộ KH-ĐT, có 3 KCN được chọn xây dựng thí điểm KCN sinh thái là Amata, Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP.HCM). Việt Nam chọn xây dựng các KCN sinh thái vì đây là xu hướng phát triển công nghiệp bền vững đảm bảo cùng lúc 4 mục tiêu chính là hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội và quản lý.
* Nỗ lực đạt KCN sinh thái
Gần đây, các nhãn hàng quốc tế khi mua sản phẩm hoặc đặt hàng với doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như những quốc gia khác trên toàn cầu đều đòi hỏi tương đối khắt khe về chất lượng, mẫu mã và đi kèm với đó là hàng loạt các tiêu chí liên quan đến môi trường, công tác xã hội, quản lý vận hành sản xuất. Các nước đã đặt ra mô hình chung trong phát triển công nghiệp bền vững là xây dựng các KCN sinh thái để hỗ trợ DN đáp ứng những điều kiện tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng Nai là nơi có 32 KCN được thành lập, hàng hóa sản xuất trong các KCN đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tới đây, tỉnh sẽ thành lập thêm 6 KCN mới nên việc xây dựng KCN sinh thái là yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế bền vững hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. |
Bà Nguyễn Thị Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia Ban Quản lý dự án KCN sinh thái Việt Nam cho hay: “Trong 4 mục tiêu lớn để xây dựng KCN sinh thái theo khung quốc tế có hơn 30 tiêu chí nhỏ và KCN Amata đã đạt được nhiều tiêu chí trong đó. Hiện nay, Ban Quản lý đang đánh giá theo tiến trình, đồng thời hỗ trợ tỉnh để cuối năm 2023 có thể hoàn thành các tiêu chí đưa Amata trở thành KCN sinh thái đầu tiên của Việt Nam”.
Tuy nhiên, việc đạt được các tiêu chí về KCN sinh thái không dễ vì lệ thuộc rất nhiều vào từng DN trong khu, các chính sách hỗ trợ phát triển DN, liên kết giữa các DN. Trong đó, DN phát triển kinh tế hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong sản xuất, kinh doanh, công tác chăm lo cho người lao động và những chính sách xã hội với cộng đồng tốt…
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, phát triển mô hình KCN sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem là hướng đi mới cho công nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương có nhiều KCN, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mô hình này rất cần thiết để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
* Xu hướng tất yếu
KCN Amata có những lợi thế để sớm hoàn thành các tiêu chí về KCN sinh thái là vì các DN trong KCN này đa số sản xuất sản phẩm cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới. DN tham gia vào chuỗi cung ứng trên đều đã đạt các yêu cầu cao về quản lý, sản xuất, môi trường, lao động.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang cố gắng đến cuối năm 2023 trở thành khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam. Ảnh: K.Minh |
Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK ở KCN Amata cho hay: “Sản phẩm của công ty đa số xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, những nơi đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động. Để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, từ năm 2018, công ty đã áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát khí thải CO2, sản xuất sử dụng nguyên liệu hiệu quả, cải tiến và thay các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng”.
Cũng theo ông Hồ, áp dụng các quy trình sản xuất công nghiệp bền vững giúp cho DN hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu của các tập đoàn quốc tế với những DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Tiên Lê, Quản lý cấp cao hoạt động phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn VF (Hoa Kỳ) chia sẻ: “VF là hãng thời trang hàng đầu thế giới và mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững. Việt Nam là nơi VF chọn đặt hàng khá nhiều nên có những chương trình hỗ trợ các nhà máy tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm khí thải CO2. Các nhà máy sản xuất xanh đều được VF ưu tiên ký đơn hàng lớn, lâu dài”.
Khánh Minh