Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp lại lo đợt tăng giá nguyên liệu mới

10:04, 01/04/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng từ 20-30%. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đang lo lắng đến tháng 5, 6, khi các nhà máy đã hết nguyên liệu dự trữ, buộc phải mua vào nhiều sẽ khiến thị trường có đợt tăng giá mới.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng từ 20-30%. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đang lo lắng đến tháng 5, 6, khi các nhà máy đã hết nguyên liệu dự trữ, buộc phải mua vào nhiều sẽ khiến thị trường có đợt tăng giá mới.

Hóa chất, chất dẻo là nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất tại Đồng Nai. Ảnh: K.Minh
Hóa chất, chất dẻo là nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất tại Đồng Nai. Ảnh: K.Minh

Theo các DN, nguyên nhân dẫn đến nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới leo thang, giao tranh giữa Nga và Ukraine. Thời điểm này, nguồn cung nhiều mặt hàng đầu vào cho sản xuất như: sắt thép, hóa chất, gỗ, chất dẻo giảm, nên đã đẩy giá lên cao, DN buộc phải đưa nguồn hàng dự trữ vào sản xuất.

* Nhiều rủi ro tác động đến sản xuất

Có lẽ chưa khi nào ngành sản xuất công nghiệp của Đồng Nai cũng như cả nước phải cùng lúc chịu nhiều tác động tiêu cực như hiện nay: dịch bệnh Covid-19, thiếu lao động, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá tăng, chi phí logistics tăng lên gấp 2-8 lần… Tất cả những chi phí gia tăng, DN đều cộng vào giá thành sản phẩm nên hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Ông Ken-ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fict Việt Nam (Khu công nghiệp 2, TP.Biên Hòa) kiêm Trưởng nhóm Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai cho biết: “Giá xăng, dầu thế giới tăng cao tác động rất lớn đến sản xuất của ngành Công nghiệp vì kéo theo các chi phí đầu vào cho sản xuất đều tăng. Các DN đã ký kết đơn hàng dài hạn đều gặp khó khăn vì không dự báo được nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác sẽ tăng nhanh nên phải đàm phán lại với khách hàng về giá bán và sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp”.

Hiện nay, đơn hàng cho sản xuất không thiếu nhưng nhiều DN vẫn chần chừ, cân nhắc khi nhận thêm các đơn hàng mới. Bởi, DN rất khó dự báo được tình hình biến động của thế giới trong thời gian tới và sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, không ít DN đã thiếu hụt nguồn vốn để mua dự trữ nguyên liệu với số lượng lớn. Vì thế, nếu DN ký các đơn hàng lớn kéo dài, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng rất dễ thua lỗ.

Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường có nguồn vốn lớn nên khi ký kết đơn hàng xong sẽ mua dự trữ đủ nguyên liệu cho cả quá trình sản xuất nên mức độ rủi ro thấp, còn DN vốn đầu tư trong nước đa số nhỏ, thiếu vốn nên sản xuất đến đâu sẽ nhập nguyên liệu về đến đó, khi nguyên liệu khan hiếm, giá tăng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

* Thấp thỏm với đợt tăng giá mới

Trong 2-3 tháng qua, các DN sản xuất đều gặp khó khăn do giá đầu vào cho sản xuất tăng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất khan hiếm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn nhiều nhà máy vẫn còn nguồn hàng dự trữ để sản xuất, nhưng khoảng 1-2 tháng nữa là thời điểm nguồn nguyên liệu hết, DN buộc phải mua vào với số lượng lớn có thể khiến thị trường cầu nhiều hơn cung, dẫn đến đợt tăng giá mới.

Ông Chen Chih Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng Ho Team, kiêm Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho hay: “DN mong giao tranh giữa Nga và Ukraine chấm dứt để chuỗi cung ứng đầu vào cho sản xuất được khôi phục, giá cả ổn định để các nhà máy yên tâm nhận đơn hàng và mở rộng sản xuất. Nga là nước cung cấp nhiều dầu mỏ, hóa chất, sắt thép, gỗ cho nhiều nước trên thế giới nên chiến sự kéo dài, DN trên thế giới đều chịu ảnh hưởng”.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 3-2022, gần 20 mặt hàng phục vụ chính cho sản xuất công nghiệp đều được DN tăng nhập khẩu hơn 30% so với tháng 2-2022. Có 3 mặt hàng nhập khẩu nhiều là chất dẻo, hóa chất, sắt thép.

Cũng theo ông Chen Chih Minh, nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp đa số phải nhập khẩu, hiện có những nước lo lắng sẽ thiếu nguyên liệu nên hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng như: hóa chất, sắt thép, gỗ…

Với tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế cảnh báo các DN khi ký hợp đồng với khách hàng nên có thêm điều khoản kèm theo về giá bán sản phẩm để giảm bớt rủi ro.

PGS-TS Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương, chuyên gia tư vấn xuất, nhập khẩu cho nhiều DN chia sẻ: “Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động gây trở ngại cho nhiều DN trong sản xuất, kinh doanh. Để giảm bớt rủi ro về giá nguyên liệu và những chi phí khác gia tăng, khi ký kết các đơn hàng DN nên soạn thảo chi tiết hợp đồng, trong đó nên có thêm điều khoản về giá nguyên liệu, chi phí đầu vào gia tăng bao nhiêu phần trăm thì sẽ điều chỉnh giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, DN có thể ký hợp đồng nhưng không chốt trước giá bán sản phẩm”.

Vì lo sẽ có đợt tăng giá mới trong tháng 3-2022, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chi hơn 1,84 tỷ USD để nhập khẩu sản phẩm đầu vào cho sản xuất công nghiệp, tăng gần 500 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD và DN có vốn đầu tư trong nước khoảng 440 triệu USD.

Hương Giang

Tin xem nhiều