Đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt thay thế phương pháp đốt, chôn lấp lạc hậu là cần thiết. Song đến nay, lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp vẫn chưa có định hướng của cơ quan quản lý.
Đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt thay thế phương pháp đốt, chôn lấp lạc hậu là cần thiết. Song đến nay, lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp vẫn chưa có định hướng của cơ quan quản lý.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Tây Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: H.LỘC |
Định hướng công nghệ, điều chỉnh khung giá xử lý phù hợp với công nghệ là mong muốn của các chủ đầu tư khu xử lý (KXL) chất thải.
* 3 loại công nghệ phổ biến
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, có nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng có 3 loại phổ biến được Bộ TN-MT cấp phép và các KXL chất thải trên địa bàn tỉnh áp dụng là: chế biến rác thành mùn hữu cơ (compost), đốt chất thải bằng lò đốt 2 cấp nhiệt độ cao và chôn lấp hợp vệ sinh.
Đối với công nghệ chế biến rác thành mùn hữu cơ (compost), hiện có 2 KXL đang áp dụng công nghệ, thiết bị xử lý của Việt Nam chế tạo là Túc Trưng (H.Định Quán), Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) và 2 KXL áp dụng công nghệ, thiết bị xử lý của nước ngoài chế tạo là KXL ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) và xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Công nghệ đốt chất thải bằng lò đốt 2 cấp nhiệt độ cao có 4 KXL đang áp dụng công nghệ, thiết bị của Việt Nam chế tạo là: Xuân Tâm, Túc Trưng, Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ), Tây Hòa (H.Trảng Bom). KXL Bàu Cạn (H.Long Thành) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh nhưng đã bị tạm ngưng do không đảm bảo được tỷ lệ chôn lấp trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt mà tỉnh đưa ra.
Công nghệ chế biến rác thành mùn hữu cơ tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: HOÀNG LỘC |
Cũng theo ông Toàn, cả 3 công nghệ nói trên chưa có loại nào xử lý được triệt để chất thải rắn sinh hoạt. Còn khoảng 15% chất thải trơ phải đem chôn lấp.
Ông La Quốc Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Tài Tiến, chủ đầu tư KXL chất thải Tây Hòa cho biết, trước đây công ty xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho H.Trảng Bom bằng công nghệ chế biến rác thành mùn hữu cơ. Sau đó, công ty đầu tư lò đốt chất thải sinh hoạt kèm công nghiệp thông thường quy mô 2 tấn/giờ. Nhưng đầu tư xong (năm 2019) đến nay, công ty phải tạm dừng hợp đồng xử lý chất thải sinh hoạt cho H.Trảng Bom vì mức giá trần UBND tỉnh đưa ra không phù hợp. “Chúng tôi đầu tư lò đốt chất thải rắn hiện đại nhưng phải phủ bạt, chuyển đổi công năng một phần vì giá thành cao hơn khung giá tỉnh quy định. Càng vận hành càng lỗ” - ông Cường chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long, chủ đầu tư KXL chất thải Bàu Cạn cho hay, 3 năm qua, KXL không tiếp nhận chất thải sinh hoạt của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch như trước vì tỉnh áp chỉ tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Công ty đồng ý với yêu cầu này nhưng mong cơ quan quản lý chỉ ra công nghệ nào phù hợp với phần hạ tầng công ty đã đầu tư theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt.
Trên thực tế, một số KXL chất thải vẫn đang bị vướng công nghệ, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Áp dụng công nghệ theo ĐTM thì không xử lý được triệt để chất thải, không đáp ứng được tỷ lệ chôn lấp của tỉnh, còn đầu tư công nghệ tiên tiến giá xử lý chưa theo kịp, rủi ro không trúng thầu cao.
* Công nghệ nào - khung giá đó
Trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ TN-MT thẩm định và cấp phép công nghệ nhưng UBND tỉnh có quyền lựa chọn công nghệ thông qua đấu thầu, quyết định khung giá xử lý. Một số KXL, thời điểm làm ĐMT công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh phù hợp, được pháp luật môi trường cho phép, nhưng khi tiêu chí về môi trường nâng lên, công nghệ này đã trở nên lạc hậu. Giải pháp đặt ra là phải điều chỉnh chi phí xử lý để nhà đầu tư có điều kiện đổi mới công nghệ.
Đại diện Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, năm 2020, công ty nhập khẩu “nguyên đai nguyên kiện” dây chuyền công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt từ Bỉ về. Đi vào hoạt động, công nghệ đảm bảo khoảng 80% rác hữu cơ được xử lý làm mùn compost; khoảng 5% túi ny-lông được thu hồi tái chế, tái sử dụng. So với dây chuyền công nghệ sản xuất trong nước, thiết bị nhập khẩu chi phí cao hơn nhưng chi phí xử lý không khác nhau. Điều này khiến thời gian thu hồi vốn kéo dài, rủi ro nhiều hơn.
Ông La Quốc Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Tài Tiến cho rằng, 5 năm qua, khung giá xử lý chất thải sinh hoạt của tỉnh không thay đổi, điều này dễ cho cơ quan quản lý nhưng không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư công nghệ. Cơ quan quản lý nên có định hướng công nghệ để tránh tình trạng đầu tư xong không vận hành được như Tài Tiến đã gặp; nên thí điểm ban hành khung giá theo công nghệ xử lý.
Kiểm tra thực tế một số KXL chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, chúng ta đã quy định rác thải phải phân loại tại nguồn nhưng phân loại được chưa, phân loại xong rồi xử lý, sản xuất, tái chế ra sao, sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào, lại chưa làm được. Chúng ta đánh đồng một khung giá trong nhiều năm làm sao đòi hỏi nhà đầu tư thay đổi công nghệ. Đó là chưa kể, hầu hết các KXL đều bị nợ tiền xử lý chất thải từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, họ còn đâu tiền đầu tư.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt tối ưu hiện nay là đốt rác phát điện nhưng chi phí đầu tư, vận hành cao, đòi hỏi lượng rác, giá xử phải phù hợp. Không nhất thiết phải đưa điện lên hệ thống mà tái sử dụng cho chính hoạt động đốt rác hoặc khu, cụm công nghiệp lân cận. Tới đây, Đồng Nai sẽ không cho chôn lấp chất thải, kể cả chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là điều kiện để các nhà đầu tư tham gia đấu thầu, kinh doanh xử lý chất thải. Để làm được điều này, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh lựa chọn công nghệ xử lý, ban hành mức giá trần theo từng loại công nghệ, như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp. |
Hoàng Lộc