Việc khai thác thủy sản bằng các phương tiện tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng Nai đã cấm sử dụng tất cả phương tiện, ngư cụ gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản và tiếp tục tuyên truyền, thông tin đến ngư dân về nội dung đề án và chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề.
Việc khai thác thủy sản bằng các phương tiện tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng Nai đã cấm sử dụng tất cả phương tiện, ngư cụ gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản và tiếp tục tuyên truyền, thông tin đến ngư dân về nội dung đề án và chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và lãnh đạo Sở NN-PTNT thả cá giống trên sông Đồng Nai. Ảnh: B.NGUYÊN |
Tỉnh cũng phát động chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên để góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai.
* Cấm khai thác kiểu tận diệt
Đồng Nai có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản như: có các hồ chứa thủy điện, hệ thống hồ đập, sông ngòi khá phong phú; hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70 ngàn ha mặt nước. Toàn tỉnh có 18 hồ chứa nước thủy lợi và trên 60 con sông, kênh rạch thuận lợi cho việc nuôi trồng các loài thủy sản tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sinh vật của tỉnh.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG, việc phát động chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai. Hoạt động này cũng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan dân vận, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp, chính trị - xã hội về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. |
Cụ thể, trên hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 300 loài cá sống trong nước ngọt, nước lợ và nước mặn, trong đó có 17 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ. Thành phần các giống loài thủy sản trên sông Đồng Nai rất đa dạng: cá có 127 loài thuộc 15 họ; tôm nước ngọt có 12 loài thuộc họ Palaemonidae.
Nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng cả về thành phần giống loài lẫn sản lượng do tác động của tự nhiên và con người qua việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt như: sử dụng xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác.
Hiện tại, một số loài cá đã mất đi, một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thủy vực tự nhiên. Nhiều loài cá trước đây hiện diện phổ biến trên lưu vực sông Đồng Nai hiện nay rất hiếm gặp như: cá sơn đài, cá may, cá me, cá ngựa xám, cá ngựa xương, cá cóc đậm, các loài cá trèn… Một số loài thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học tại khu vực sông Đồng Nai như: tôm càng xanh, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá bống tượng, cá lăng nha, cá thát lát cườm… ngày càng suy giảm nghiêm trọng, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho biết, thời gian qua, do tác động của môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm. Bên cạnh đó, do áp lực khai thác ngày càng gia tăng; chất lượng nguồn lợi, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế suy giảm nhanh; thành phần loài thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó có nguyên nhân rất lớn do hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý làm phá vỡ cân bằng loài tự nhiên, đặc biệt là tình trạng sử dụng xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản ngày càng diễn ra phức tạp.
“Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần thiết phải có sự hợp tác, chung tay của người dân. Bởi thực tế, việc bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản từ hành động cụ thể chính là giúp người dân đảm bảo sinh kế và phát triển kinh tế bền vững” - ông Sinh nhấn mạnh.
* Khôi phục nguồn thủy sản
Nhân chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2022), Sở
NN-PTNT tổ chức buổi lễ phát động, tuyên truyền và thực hiện thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên tại khu vực sông Đồng Nai.
Người dân tham gia thả cá giống tại lễ phát động, tuyên truyền và thực hiện thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên tại khu vực sông Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Tại buổi lễ, hơn 130 ngàn cá thể giống, trong đó có những giống bản địa có giá trị kinh tế cao đang bị suy giảm nghiêm trọng như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá thát lát cườm, cá trắm đen… đã được thả vào sông Đồng Nai. Ngày tiếp theo, Sở
NN-PTNT tiếp tục thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi tại hồ Trị An với số lượng hơn 100 ngàn con. Kinh phí cho hoạt động thả giống này chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Sự kiện này có sự tham gia của các sở, ngành, tổ chức và nhất là gắn kết với hoạt động phóng sinh của Phật giáo với mục tiêu cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững. Hoạt động này đã tạo được sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp, phật tử và người dân trong việc chung tay cùng phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang ngày càng suy giảm, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn nước, môi trường sinh thái trong lành của Đồng Nai. Hoạt động này cũng góp phần hình thành nét đẹp văn hóa, khơi dậy tình yêu thiên nhiên và mang tính nhân văn sâu sắc.
Đại đức Phan Đức Thịnh, Trụ trì chùa Phước Thạnh (xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) cho biết, hoạt động phóng sinh là truyền thống của chùa; 2 lần/tháng, chùa tổ chức phóng sinh; các ngày thường, phật tử khắp nơi thường đến chùa thả cá phóng sinh như hoạt động công đức rất được coi trọng. Chùa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động phật tử tích cực tham gia hoạt động thả cá phóng sinh với ý nghĩa phát sinh, nuôi dưỡng các mầm mống để phát triển nguồn cá vì hiện nay, nguồn cá trên sông Đồng Nai đang bị cạn kiệt.
Việc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Sở NN-PTNT ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tăng cường hơn trong công tác vận động, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh, cơ cấu ngành thủy sản đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, năm 2021, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 71,2 ngàn tấn, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt gần 65,4 ngàn tấn, tăng hơn 6,7% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác đạt gần 5,9 ngàn tấn, giảm 0,21% so với cùng kỳ năm 2020. Thủy sản khai thác có xu hướng ngày càng giảm, hiện chỉ còn chiếm 8,54% trên tổng sản lượng thủy sản của tỉnh. |
Bình Nguyên