Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, xi măng liên tục "leo thang", chi phí xây dựng các công trình như: nhà ở, mặt bằng kinh doanh, nhà xưởng… cũng tăng lên.
Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, xi măng liên tục “leo thang”, chi phí xây dựng các công trình như: nhà ở, mặt bằng kinh doanh, nhà xưởng… cũng tăng lên.
Nhiều người dự tính xây dựng nhà ở giai đoạn này đang rất hồi hộp với thị trường vật liệu xây dựng.
Hoạt động xây dựng dân dụng, nhà cửa “hồi hộp” trước tình hình thị trường vật liệu xây dựng liên tục biến động, giá nhiều loại vật tư, vật liệu tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: L.Phương |
* Giá vật liệu xây dựng biến động
Theo nhiều công ty tư vấn, thiết kế - xây dựng dân dụng, đại lý vật liệu xây dựng ở TP.Biên Hòa, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục biến động, nhất là các loại sắt, thép, xi măng, trong đó có nhiều mặt hàng thay đổi, cập nhật giá mới liên tục. Giá các mặt hàng này tăng do những tác động từ thị trường, nhất là khi giá xăng, dầu, cước vận tải liên tục ở mức cao.
Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Nam Kiến (TP.Biên Hòa) chia sẻ, thời gian qua, giá sắt, thép xây dựng liên tục tăng từ 15-20%, xi măng tăng 5-7 ngàn đồng/bao, tương đương 8-10% so với thời điểm cuối năm ngoái và nhiều khả năng còn tăng thêm trước những biến động của giá xăng dầu, cước vận tải… Giá sắt, thép, xi măng tăng cao kéo theo nhiều loại vật tư xây dựng khác cũng đà tăng theo, thậm chí nhiều vật tư, vật liệu còn tăng giá theo từng tuần. Đơn cử, giá các loại nhôm kính tăng 15-20%, ống nước cũng tăng 5-10%, dây điện tăng gấp rưỡi… Ngoài ra, chi phí thuê nhân công vào đợt này cũng có xu hướng tăng.
Tương tự, theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Hà, trước bối cảnh vật giá “leo thang” đã tác động không nhỏ tới giá vật liệu xây dựng, nhất là các loại sắt, thép, xi măng… Giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng khiến cho chi phí xây dựng hiện tăng thêm trung bình khoảng 10%. Bên cạnh đó, biên độ giá nhiều loại vật liệu xây dựng thay đổi liên tục theo tuần cũng buộc các công ty xây dựng, người xây nhà phải tính toán kỹ về giá thành, chi phí phát sinh…
Bà Nguyễn Thủy, đại diện Cửa hàng vật liệu xây dựng Tấn Đạt Phát (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, các loại vật liệu xây dựng liên tục cập nhật giá và tăng cao so với cuối năm ngoái, trong đó xi măng tăng khoảng 6 ngàn đồng/bao các loại, hiện xi măng Hà Tiên đang vào khoảng 92-93 ngàn đồng/bao; gạch ống xây dựng tăng liên tục, có thời điểm 1 tuần cập nhật giá tới 2-3 lần, hiện giá nhập về trung bình khoảng 850 ngàn đồng/thiên, tăng gần 100 ngàn đồng/thiên so với trước đây; các loại thép tăng khoảng 10-20%; cát tăng 10 ngàn đồng/khối; đá xây dựng tăng từ 18-20 ngàn đồng/khối. Ngoài ra, các loại vật tư như: ống nước, dây điện, gạch men… tăng từ 10-20%.
* Người xây nhà thấp thỏm
Giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng tăng nhưng nhìn chung nhu cầu về xây dựng vẫn ở mức khá so với cùng kỳ năm ngoái sau khoảng thời gian hoạt động xây dựng bị gián đoạn vì tình hình dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều người xây nhà lo ngại tình hình giá cả vật liệu, nhân công xây dựng sẽ còn tiếp tục tăng cao nên vẫn quyết định xây dựng vào thời điểm này để “đỡ được khúc nào hay khúc đó”.
Theo một số công ty xây dựng, do giá vật liệu, nhân công tăng nên đơn giá xây các công trình cũng phải cập nhật, thay đổi. Đơn cử như đơn giá nhà phố dạng thô, nhân công hoàn thiện trung bình từ mức 3,3-3,4 triệu đồng/m2 vào năm ngoái thì nay đã tăng lên mức 3,45-3,6 triệu đồng/m2, còn đối với nhà hoàn thiện “chìa khóa trao tay”, đơn giá tối thiểu, cơ bản chấp nhận được từ mức 5,5-6 triệu đồng/m2 vào năm ngoái lên mức 6-7 triệu đồng đồng/m2 vào đầu năm nay. Ngoài ra, phương thức nhận thầu cũng thay đổi, trong đó chi phí ứng tiền đợt đầu để mua trước vật liệu xây dựng tăng 30-40% thay vì khoảng 20% so với trước đây, điều này càng đòi hỏi uy tín, độ tin cậy của nhà thầu. |
Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, do ngôi nhà đang ở khá cũ nên cuối năm vừa rồi gia đình bà có ý định sửa sang lại cho kiên cố và khang trang hơn. Tuy nhiên, ngay sau đợt dịch Covid-19 thứ 4, giá vật liệu xây dựng như: sắt, thép, cát, xi măng, gạch ống, gạch men… trải qua một đợt “sốt giá” mạnh và hiện vẫn trên đà tăng. Cứ chờ mãi không biết khi nào “hạ nhiệt” nên cuối cùng vào tháng tới gia đình bà cũng quyết định sửa lại nhà cho hoàn thiện.
“Hiện giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, do vậy vào thời điểm này, nhiều nhà thầu ngại ký hợp đồng “khoán” trọn gói giá vật liệu xây dựng mà chuyển qua làm gia công theo ý chủ nhà, tức là làm đến đâu tính tiền đến đó. Điều này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến phần tài chính dự trù của gia đình bởi chi phí chắc chắn sẽ bị đội lên nhiều. Sau nhiều lần cân nhắc các phương án, tôi đành phải sửa càng sớm càng tốt vì nếu chần chừ thì giá cả vật liệu, các mặt hàng nội thất chỉ tăng thêm, ngày càng gây áp lực hơn” - bà Hoa chia sẻ.
Ông Tuấn Khải (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện ngôi nhà của ông đang dần hoàn thiện. Đã lường trước những tác động từ thị trường vật liệu xây dựng nên ông chọn kỹ nhà thầu có kinh nghiệm, chủ động kết nối nguồn cung vật liệu xây dựng với giá ổn định, đồng thời thỏa thuận thời gian ứng tiền để mua vật tư, trả cho nhân công và lộ trình xây dựng phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian gần đây, khi giá vật liệu tăng cao cũng khiến cho một số chi phí bị phát sinh nằm ngoài những tính toán, dự trù…
Tương tự, ông Ngọc Minh (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) chia sẻ: “Đợt này giá vật liệu xây dựng cứ ngày một tăng nên tôi cố gắng sắp xếp để tiến hành xây dựng, hoàn thiện nhà sớm nhằm giảm thiểu những tác động từ “bão giá”. Tôi chọn phương thức tự mua vật tư, vật liệu xây dựng và khoán công xây nên khá hồi hộp trước những biến động về giá vật liệu xây dựng. Do lường trước tình hình nên có nhiều vật liệu tôi đã đặt mua từ đầu năm để phần nào giảm bớt chi phí”.
Lam Phương