Trong một thời gian ngắn, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu về Việt Nam đã tăng từ 40-60% so với cuối năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu gỗ đang khan hiếm, nhiều DN lo lắng sẽ có đợt tăng giá mới trong tháng 5, 6-2022.
Trong một thời gian ngắn, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu về Việt Nam đã tăng từ 40-60% so với cuối năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu gỗ đang khan hiếm, nhiều DN lo lắng sẽ có đợt tăng giá mới trong tháng 5, 6-2022.
Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.GIANG |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch nhập khẩu gỗ của tỉnh trong tháng 3-2022 ước đạt gần 17 triệu USD, bằng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất khẩu trong tháng 3-2022 của sản phẩm gỗ chỉ đạt hơn 148 triệu USD, bằng 67% so với tháng 3-2021.
* Sản xuất, xuất khẩu bị thu hẹp
Đồng Nai là một trong những địa phương xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam và đây cũng là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh với trên 1,8 tỷ USD/năm, chiếm hơn 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước. Do đó, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng chung đến toàn ngành.
Một số doanh nghiệp gỗ cho biết, giá trị hàng hóa trong 1 container sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu bình quân từ 12-15 ngàn USD, nhưng chi phí vận chuyển qua châu Âu hoặc Hoa Kỳ 22-25 ngàn USD/container. |
Quý I-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh đạt gần 450 triệu USD, bằng gần 85% so với quý I-2021. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản xuất, xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm, song chủ yếu vẫn do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao. Theo các DN, Nga và Ukraine là hai thị trường cung ứng các loại gỗ: bạch dương, sồi, thông khá lớn cho Việt Nam. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho nhiều nước trên thế giới.
Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu rất khan hiếm vì Nga, Ukraine là nơi cung ứng nguyên liệu gỗ lớn cho nước ta, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Do tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nguồn cung gỗ từ châu Âu cho Việt Nam giảm sâu, trong thời gian ngắn, DN gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn kép là tìm nơi cung cấp nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng phi mã”.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, giá nhập khẩu gỗ thông trong tháng 3-2022 là hơn 300 USD/m3, tăng gần 100 USD/m3 so với năm 2021. Trong tháng 2 vừa qua, nguồn cung nguyên liệu gỗ từ những thị trường lớn như: New Zealand giảm 80%, Argentina giảm 53%, Australia giảm 72% và châu Âu hơn 90%.
* Tìm cách vượt khó
Trong nhiều năm qua, chưa khi nào ngành gỗ Đồng Nai nói riêng cũng như cả nước nói chung phải đối mặt với hàng loạt khó khăn liên tiếp, bắt đầu là dịch bệnh Covid-19 dẫn đến những hệ lụy đẩy giá thành sản phẩm lên cao, chi phí vận chuyển hàng hóa leo thang, tiếp đến là thiếu lao động, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm… Để có thể tồn tại vượt qua thời điểm khó khăn này, mỗi DN phải tự tìm cách riêng để cứu mình.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để vượt qua khó khăn hiện nay, DN ngành gỗ buộc phải tái cơ cấu bằng cách cắt bỏ những khâu không quan trọng, tìm giải pháp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đàm phán với khách hàng tăng giá bán. Nếu DN nào tái cơ cấu và giữ được sản xuất trong giai đoạn này sẽ có cơ hội phục hồi tốt khi thời cơ đến”.
Hiện nay, các DN gỗ Đồng Nai đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Hoa Kỳ là thị trường đã tăng nguồn cung nguyên liệu gỗ cho Việt Nam thêm khoảng 34% trong gần 3 tháng qua. Đồng thời, các DN phải đàm phán lại với các đối tác chuyển sang các loại gỗ khác có sẵn trong nước như gỗ tràm, cao su…
Bà Phan Thị Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho DN ngành gỗ. Ngành đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào khiến sản xuất bị chựng lại, nhiều nhà máy buộc phải thu hẹp sản xuất. Các DN đang cố gắng tìm cách duy trì sản xuất, giữ chân lao động có tay nghề và tính toán lại từng công đoạn sản xuất nhằm giảm chi phí bù lại cho giá nguyên liệu, công vận chuyển”.
Vấn đề các DN ngành gỗ lo lắng nhất hiện nay, nguồn cung tiếp tục khan hiếm, trong tháng 4-2022, nguồn gỗ dự trữ vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5, 6-2022, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết phải nhập khẩu với số lượng lớn sẽ tạo thêm khan hiếm, giá có thể bị đẩy lên một mức mới.
Hương Giang