Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần khai thác hiệu quả chức năng phát triển kinh tế

11:03, 13/03/2022

Thời gian qua, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Đồng Nai đã thực hiện khá tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hai chức năng còn lại là phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, hỗ trợ nghiên cứu giáo dục được đánh giá là chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả.

Thời gian qua, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Đồng Nai đã thực hiện khá tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hai chức năng còn lại là phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, hỗ trợ nghiên cứu giáo dục được đánh giá là chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả.

Du khách tham quan triển lãm ảnh đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Du khách tham quan triển lãm ảnh đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ảnh: B.MAI

Việc thực hiện hài hòa các chức năng của Khu DTSQ là điều kiện quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững.

* Chưa hài hòa 3 chức năng

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Đồng Nai cho biết, trước đây 2 đơn vị là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chủ yếu ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và duy trì đa dạng sinh học. Sau này, hai chức năng còn lại là kinh tế, giáo dục mới được quan tâm, đầu tư.

Khu DTSQ thế giới Đồng Nai được UNESCO chính thức công nhận ngày 29-6-2011 trên cơ sở nâng cấp mở rộng và đổi tên từ Khu DTSQ Cát Tiên. Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông, tổng diện tích 756 ngàn ha. Trong đó, vùng lõi quan trọng nhất có diện tích 171,7 ngàn ha nằm ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai của Đồng Nai.

Để thực hiện chức năng phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, tỉnh đã đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; mở các tuyến, các loại hình du lịch; truyền thông quảng bá vẻ đẹp của Khu DTSQ. Nhờ đó, lượng du khách tăng bình quân hơn 15%/năm, doanh thu tăng 12% trong giai đoạn 2011-2019 (2 năm gần đây lượng khách và doanh thu giảm do dịch bệnh).

Việc phát triển kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho Khu DTSQ, người dân trong vùng và góp phần thực hiện hiệu quả chức năng bảo tồn thiên nhiên, các giá trị văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ du lịch của Khu DTSQ vẫn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Năm 2019, mức doanh thu du lịch đạt cao nhất hơn 16 tỷ đồng. Nguyên nhân là hạ tầng du lịch (đường giao thông, phương tiện đi lại, nhà nghỉ, trạm dừng chân) chưa hoàn thiện. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách.

Vài năm nay, tỉnh có chủ trương đẩy mạnh khai thác dịch vụ môi trường phát huy lợi thế, giảm nguồn chi cho công tác bảo vệ rừng nhưng chưa nhiều dự án được triển khai, hiệu quả kinh tế thấp. 

Về chức năng giáo dục, Khu DTSQ đã khá thành công khi thành lập các mạng lưới CLB Xanh cho người dân và học sinh, CLB Sinh quyển cho sinh viên và thanh niên trên địa bàn. Thúc đẩy hoạt động hợp tác với các khu DTSQ, các tổ chức, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý, tìm kiếm các ý tưởng và các nguồn tài trợ phục vụ công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Song các hoạt động này chưa thường xuyên.

* Ưu tiên phát triển kinh tế xanh

Bảo tồn đa dạng sinh học là điều kiện để phát triển kinh tế. Ngược lại, cần phát triển kinh tế để làm tốt hơn bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ các hoạt động giáo dục khác.

Du lịch sinh thái ở Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Du lịch sinh thái ở Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Đồng Nai, trong Chiến lược hành động đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 khu dự trữ đề ra các mục tiêu, trong đó có bảo tồn hiệu quả hệ sinh thái trên toàn bộ 765 ngàn ha, đồng thời xác lập các giá trị văn hóa, tinh thần đặc trưng để khai thác du lịch cộng đồng. Ưu tiên phát triển kinh tế xanh bằng đầu tư hạ tầng, tăng cường truyên truyền, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của Khu DTSQ Đồng Nai. Liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn tài chính và tiếp cận các khoản tài trợ và đầu tư bền vững.

Cùng với đó, xây dựng chính sách ưu đãi và khuyến khích các tổ chức, các nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động quản lý, khai thác các giá trị của Khu DTSQ. Chẳng hạn như phát động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng, chăm sóc rừng ở Khu DTSQ sẽ được ưu đãi khi đi du lịch; thực hiện các công trình xã hội, dự án ở Khu DTSQ hoặc cho người dân ở vùng đệm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Khu DTSQ Đồng Nai là tài sản quý giá của quốc gia và nhân loại. Khu DTSQ Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện các chức năng, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Thời gian tới, Khu DTSQ phải tham mưu và thực hiện hiệu quả các đề án về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử. Đồng thời, đề xuất các biện pháp cải thiện sinh kế người dân, cải thiện nguồn thu. Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các thành phần tham gia phát huy giá trị, lợi ích của khu và giảm nguồn chi ngân sách.

Tỉnh sẽ vận dụng mọi khả năng để đưa Khu DTSQ Đồng Nai trở thành ngôi nhà sinh thái chung. Các nhiệm vụ tỉnh ưu tiên hỗ trợ đó là đầu tư hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học và du lịch; kêu gọi các dự án phát triển kinh tế rừng theo hướng xanh, bền vững; đẩy mạnh cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở VH-TTDL, Sở GD-ĐT kết nối đưa hoạt động giáo dục về thiên nhiên, môi trường vào trường học.         

Ban Mai

Tin xem nhiều